Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) trải qua 20 năm (2002-2022) với 5 lần thay đổi tổng vốn đầu tư, từ 123 tỷ đồng lên gần 9.700 tỷ đồng.

rach xuyen tam tphcm
20 năm dự án không hoàn thành, hàng trăm hộ dân tại khu vực rạch Xuyên Tâm khốn khổ vì phải ăn ngủ, sinh hoạt bên dòng kênh hôi thối. Dọc bờ rạch Xuyên Tâm rác thải trôi nổi khắp bề mặt rạch, nằm dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

UBND TP.HCM vừa đề xuất tăng mức đầu tư của Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp lên gần 9.700 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Đề xuất này được chính quyền thành phố đưa ra tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 8, khóa X, ngày 7/12.

Trong tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm hơn 2.400 tỷ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng hơn 6.500 tỷ đồng (gần 1.900 trường hợp bị ảnh hưởng), còn lại là chi phí quản lý, tư vấn, dự phòng.

Giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 6.600 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh và Gò Vấp, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và khởi công tại quận Gò Vấp.

Giai đoạn 2026-2030 cần hơn 3.015 tỷ đồng để tổ chức thi công hoàn thành công trình tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp và cuối cùng là quyết toán dự án.

5 lần điều chỉnh vốn, nhưng 20 năm dự án vẫn chưa xong

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm được UBND TP.HCM phê duyệt lần đầu vào năm 2002, với kinh phí 123 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 6,6 km, gồm 3 tuyến rạch nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) với chiều dài mỗi tuyến hơn 2,2 km.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Sở Xây dựng thành phố, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm nhằm đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực, kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến. Nước thải sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Dự kiến, dự án sẽ tạo kênh hở thoát nước bằng cách xây dựng kè bảo vệ bờ bằng cừ bê tông dự ứng lực, bề rộng lòng rạch 20 – 30m, nạo vét sâu 3,5m. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng hệ thống thu gom thoát nước thải có đường kính 1 – 2m. Đường giao thông ven rạch sẽ có hai làn xe mỗi bên. Dọc rạch là công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11ha.

Đáng chú ý, dự án liên tục đội vốn với con số “khủng”. Cụ thể, năm 2016, UBND TP tái phê duyệt dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng mức đầu tư dự án tiếp tục tăng lên 8.600 tỷ đồng.

Tới năm 2021, dự án lại vọt lên khoảng 9.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025.

Đến năm 2022, dự án đội lên lên gần 9.700 tỷ đồng – vượt tới gần 9.600 tỷ đồng so với tổng vốn hồi năm 2002.

Theo báo Đầu Tư, dự án liên tục đội vốn, nhưng suốt thời gian dài, dù nhiều nhà đầu tư đã tham gia nghiên cứu, đề xuất nhưng sau đó đã âm thầm rút lui, bởi TP.HCM không đáp ứng được yêu cầu phải có nguồn thu và xin điều chỉnh quy hoạch.

Do đó, UBND TP.HCM đã chuyển hình thức đầu tư dự án này sang hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, từ năm 2020, Luật Đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT, nên thành phố phải chuyển sang hình thức đầu tư công.

Báo Người Lao Động phản ánh do hàng chục năm không hoàn thành dự án, hàng trăm hộ dân tại khu vực rạch Xuyên Tâm khốn khổ vì phải ăn ngủ, sinh hoạt bên dòng kênh hôi thối. Dọc bờ rạch Xuyên Tâm rác thải trôi nổi khắp bề mặt rạch, nằm dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch.

Kim Long