Theo chủ đầu tư, dự án sân bay Long Thành không thể đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2025.

thi cong san bay long thanh
Theo chủ đầu tư, dự án sân bay Long Thành không thể đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2025. (Ảnh: dongnai.gov.vn)

Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành, vừa đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng “gói thầu nhà ga hành khách” từ 33 tháng lên 39 tháng, kéo dài đến năm 2026 để có thời gian xây dựng và chạy thử nhà ga hành khách.

Hiện ACV vẫn đang tìm kiếm nhà thầu đủ năng lực cho gói thầu này.

ACV cho biết đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án (dự án thành phần 3 gồm rà phá bom mìn, xây rào, san nền, móng cọc…) hơn 98.500 tỷ đồng, trong đó công trình nhà ga hành khách gần 35.000 tỷ đồng phải hủy thầu, vì nhà thầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.

Cũng theo ACV, gói thầu làm nhà ga sử dụng nguồn vốn trong nước là chưa có tiền lệ; việc đấu thầu quốc tế theo các quy định sử dụng nguồn vốn trong nước cũng gặp những hạn chế do vướng mắc giữa quy định trong nước cùng các thông lệ quốc tế.

Cụ thể, quy định mẫu hợp đồng các gói thầu sử dụng vốn nội địa có điều khoản “giá trị quyết toán là giá trị sau khi được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thực hiện kiểm toán, thanh tra.”

Trong khi đó, với nhà thầu quốc tế, giá quyết toán gói thầu chủ yếu dựa trên quá trình thương thảo hợp đồng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, công tác tại trường Đại Học Fulbright Việt Nam, nói: “Sự chậm trễ của dự án sân bay Long Thành ảnh hưởng nghiêm trọng lên nhiều mặt như tiềm năng cải thiện năng lực của nền kinh tế, niềm tin của người dân, cộng đồng, sự năng động cũng như cam kết của chính phủ, chính quyền địa phương trong đồng hành với các nhà đầu tư… Dự án chậm trễ cũng đồng nghĩa giải ngân đầu tư công ở đây tắc nghẽn, có tiền nhưng vẫn chưa thể tiêu xài.”

Một chuyên gia giao thông nhận định dự án sân bay Long Thành được chuẩn bị trong thời gian rất dài nhưng công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công nhà ga sân bay chưa thực sự hiệu quả, thiếu chuyên nghiệp, chưa lường trước được các rủi ro về pháp lý dẫn đến phải hủy thầu và đấu thầu lại. Vì vậy, Chính phủ cần phải xem xét năng lực, xử lý trách nhiệm thật nghiêm đối với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, theo báo Pháp Luật TP.HCM.

Trong một diễn biến khác, tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ-ASEAN (USABC) vào chiều 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tham gia dự án phi trường Long Thành.

Ông Chính nói sân bay Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia của Việt Nam “mở ra cơ hội cạnh tranh với các phi trường trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không.”

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng đầu tư khái toán 336.630 tỉ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm.

Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Minh Long