Theo các chuyên gia, siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào nước ta vào ngày 17/9, cường độ bão đạt cấp 12 (giật cấp 14), ảnh hưởng tới 27 tỉnh thành phố. Bão gây mưa lớn từ 200-300mm cho Bắc, Bắc Trung Bộ, đặc biệt là khu vực từ Quảng Ninh-Thanh Hóa.

siêu bão Mangkhut
Chùm ảnh đường đi siêu bão Mangkhut. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Chiều ngày 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các địa phương, lên phương án ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Tại buổi họp, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết bão Mangkhut hiện có cường độ cấp 17,  đang hoạt động ở vùng biển phía đông Philippines và bắt đầu ảnh hưởng đến Luzon.

Dự báo, bão sẽ đi vào phía đông bắc Biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17. Trưa chiều ngày 16/9, hoàn lưu cơn bão sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào đất liền nước ta vào ngày 17/9.

Bão đổ bộ sẽ gây ảnh hưởng đến 27 tỉnh thành phố thuộc Bắc Bộ. Cường độ của bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, hoàn lưu của cơn bão có bán kính rất rộng, từ 400-500 km tính từ tâm bão và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Khu vực Quảng Ninh đến Thanh Hóa là vùng ảnh hưởng mạnh nhất và hứng chịu mưa lớn, lượng phổ biến 200-300 mm.

Bão gây sóng lớn cao 14 m ở khu vực bắc Biển Đông, cao 5 m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa Biển Đông. Tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5 m.

Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo TU về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi bão vào đất liền là lúc nhiều yếu tố bất lợi, địa phương và người dân tránh chủ quan.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh từ Nghệ An trở ra rà soát các phương án ứng phó, các địa phương cần cấm biển từ 10h ngày 15/9 cho đến khi hết tác động của hoàn lưu, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn, trật tự an ninh. Đặc biệt các khu vực đô thị trong đó có Hà Nội cần có phương án tiêu úng, ngập lụt khi có mưa lớn.

Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 17h ngày 16/9.

Ông Ngô Quý Đức – Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn cho biết đã huy động gần 400.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ hiệp đồng cùng các địa phương, chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với gần 3.000 phương tiện các loại, trong đó có 44 tàu ứng trực trên biển, 8 máy bay thường trực sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là cơn bão mạnh, có khả năng gây ảnh hưởng cho vùng rộng lớn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do đó, Phó thủ tướng đề nghị các Bộ ngành, tỉnh thành phố cần:

  • Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn; Gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thuỷ sản; Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trong ngày 16/9.
  • Rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với bão mạnh, phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển.
  • Bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín, tiêu gạn nước đệm để chống úng, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình công cộng; tổ chức chặt tỉa cành cây.
  • Bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, có phương án ứng phó kịp thời.
  • Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, các khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét và cấm vớt củi khi có lũ.
  • Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất các hồ chứa đã đầy nước. Kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện.
  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cần tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
  • Tổ chức và bố trí điều kiện để các đoàn công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, các trọng điểm đê điều, hồ chứa thuỷ lợi.
  • Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, điều phối giao thông khi có yêu cầu.
  • Bộ Ngoại giao cần có công văn gửi các nước đề nghị hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam vào tránh trú bão.
  • Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc. Trong đó, Mangkhut là cơn bão mạnh nhất.

Bão Mangkhut đạt cấp Cat 5 – cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế – mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (Cat 4)” – ông Cường nói.

hinh anh bao mangkhut
Siêu bão Mangkhut. (Ảnh: earth.nullschool.net)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 22h ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 123,3 độ Kinh Đông, cách đảo LuZon (Philippines) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24h tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều ngày 15/9, siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Đến 22h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 790km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17; phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng 15/9 tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 22 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 22h ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, riêng tỉnh Quảng Ninh cấp 4.

Hoàng Minh

Xem thêm: