TAND TP Hà Nội chiều 14/9 đã khép tội “Giết người” đối với 6 người, trong đó, tuyên 2 án tử hình với ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức – 2 con trai của ông Lê Đình Kình; Lê Đình Doanh – cháu nội ông Kình bị tuyên mức án chung thân.

Ba người còn lại nhận mức án từ 12-16 năm tù, trong đó ông Bùi Viết Hiểu, hiện 77 tuổi, nhận mức cao nhất 16 năm tù giam.

23 người bị khép tội “Chống người thi hành công vụ”, trong đó 13 người nhận án treo, từ 15 tháng – 3 năm; 10 người nhận án tù giam, từ 3-6 năm.

Dư luận nói gì về vụ việc Đồng Tâm cũng như bản án tòa vừa tuyên?

dong tam 0
Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên xét xử chiều 7/9. (Ảnh chụp màn hình/VTC Now)

**

“Trên đường từ tòa trở về, tôi bắt một chiếc tắc-xi, cậu thanh niên tài xế cảm thán, người dân đã quá khổ rồi, phải thay đổi thôi, đợi đến bao giờ nữa. Mặc dù khi được hỏi, anh ta nói chỉ theo dõi vụ Đồng Tâm qua báo đài, truyền hình nhà nước (tức, như cậu ta nói, là dạng chính thống). Vậy mà cậu ta cũng chẳng tin vào, ngoài thực tế mà chính cậu ta đối mặt hàng ngày cho việc mưu sinh.

Cậu lái xe gằn lên với sức mạnh đáng kể trong lời nói: nếu họ có tội, hãy đọc lệnh và bắt họ một cách đường hoàng, vào ban ngày, chứ sao lại thực hiện hành động ồ ạt vào ban đêm? Tôi cũng bất ngờ trước nhận định rất đỗi giản đơn mà thấu suốt này từ một thanh niên xa lạ mà tôi vừa mới trò chuyện với tư cách là một hành khách của anh ta. Không cần bất cứ sự logic phức tạp hay khó hiểu nào.

Chúng ta cần nhận thấy hình dạng rất rõ ràng của xung đột xã hội trong vụ án này. Những nông dân chân chất, trở thành các bị cáo trong vụ án.

“Chống người thi hành công vụ” (yếu tố quyền lực nhà nước), có tổ chức và với các vũ khí thô sơ. Hậu quả của xung đột ấy là 4 người bị thiệt mạng ngay lập tức vào thời điểm đột kích, cộng thêm 2 án tử hình được tuyên tại tòa án và 27 con người phải vướng cảnh tù ngục. Những người là thân nhân của những người trong vụ án này cũng mỗi người một tình cảnh đau đớn khác nhau.” – Luật sư Luân Lê (luật sư tham gia bào chữa)

**

“Việc dẫn đến cái chết bi thương của 3 chiến sĩ cảnh sát và cụ Lê Đình Kình xuất phát trực tiếp từ sai lầm đưa 2.000 cảnh sát đến Đồng Tâm vào rạng sáng 09/1/2020. Nếu không có chiến dịch đưa 2.000 cảnh sát đến Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/1/2020 thì đã không xảy ra án mạng.

Việc đối phó với người dân không vũ khí ở Đồng Tâm đáng ra phải có cách khác. Cố phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nói: “Về với dân thì đừng mang súng”. Trước đây đã có nhiều vụ tương tự nhưng được xử lý tốt, không để xảy ra án mạng. Để xảy ra án mạng ở Đồng Tâm hôm 09/1/2020 là lỗi do người xử lý.

Tội của những người dân Đồng Tâm hôm 09/1/2020 là tội sinh ra từ hệ quả của việc đưa 2.000 cảnh sát về Đồng Tâm. Trị tội thì trước hết phải trị tội nguyên nhân. Không thể chỉ xét xử tội hệ quả mà không xét xử tội nguyên nhân.” – TS Toán học Nguyễn Ngọc Chu

**

“Tội danh cho người dân Đồng Tâm – Công tố viên thay đổi tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” cho 19 nông dân Đồng Tâm là có lắng nghe. Tuy nhiên, các hành vi phạm tội của các nông dân Đồng Tâm được nêu ra ở phiên tòa này đều xảy ra sau cuộc đột kích của cảnh sát, Rằm tháng Chạp năm ngoái. Nếu, vụ án được nhìn nhận một cách khách quan, phải có điều tra độc lập để xem xét tính hợp pháp của việc đang đêm “xâm phạm chỗ ở” của các công dân Đồng Tâm, thì mới có thể đánh giá các hành vi tiếp theo là phạm tội hay không phạm tội.

Ngay cả khi điều kiện tiên quyết trong tiến trình tố tụng đó không được đáp ứng, chỉ căn cứ những gì diễn ra qua truyền thông nhà nước và ở phiên tòa: Nếu không có bức cung, nhục hình; nếu các lời khai của bị cáo trước tòa là “đúng sự thật”… Và, nếu Bộ Luật Hình sự được tôn trọng, thì 19 bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (Điều 22); 6 bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó (Điều 95).

Cho dù chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng ta vẫn nên tư duy độc lập và duy trì khát vọng công lý.” – Nhà báo Trương Huy San

**

“Điều tra và tố tụng hình sự phải được thực hiện theo cách thức thu thập chứng cứ nghiêm túc, khách quan. Cách thức chứng minh phải được thực hiện theo cách suy luận logic, nguyên tắc suy đoán vô tội.

Việc phía công tố chuyển tội danh sau khi truy tố, tòa án chỉ có thể cho phép khi hai tội danh đó có mối quan hệ bao trùm nhau về yếu tố cấu thành, nhưng khi hai tội khác hẳn nhau về yếu tố cấu thành tội phạm về cơ bản, cũng như khác hẳn về khách thể thì tòa án cần phải yêu cầu điều tra lại (theo pháp luật Việt Nam), hoặc tuyên vô tội (theo pháp luật Nhật Bản) bởi tình tiết khách quan thỏa mãn cho tội sau khi chuyển đổi đó chưa được điều tra và xác minh đầy đủ. Nếu rất nhiều người trong nhóm bị cáo cần phải được điều tra lại, thì tội danh của những người khác cũng cùng cần phải được điều tra lại bởi mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa những người trong nhóm đó cần phải được làm rõ.

Công vụ phải là công vụ hợp pháp và hợp lý, vì không phải đương nhiên là công vụ nào đều hợp pháp và hợp lý, pháp luật không nên bảo vệ công vụ không hợp pháp và không hợp lý. Điều này do phía công tố phải chứng minh.

Câu chuyện của pháp luật luôn chỉ phải là câu chuyện của pháp luật, không nên pha lẫn giữa câu chuyện pháp luật với câu chuyện khác ngoài pháp luật. Có vẻ ở đâu đó có rất nhiều người trên trời dưới đất thích hoặc cố tình lẫn lộn hai câu chuyện. Với hoàn cảnh này, động thái gửi gắm niềm tin vào công lý của bất cứ phe phái, trường phái nào đều chỉ là câu chuyện lãng mạn.” – Luật sư Hirota Fushihara (nguyên tác tiếng Việt)

**

“Ở một quốc gia quay cuồng vì đất và nền tảng GDP nặng từ thuế phí giao dịch đất đai hay các đại gia phất lên nhờ buôn/cướp đất; thì tuyệt đại đa số người dân sẽ nhìn vào một bản án để chọn cách hành xử chứ không phải để sợ hãi.

Các vụ phản kháng cưỡng chế đất đai gần đây cho thấy con số thương vong (bao gồm cả án tử) chỉ tăng chứ không giảm.

Án tử chỉ có tính răn đe với tội phạm thông thường. Án tử đối với những người coi đất đai là máu thịt chính là tiền đề của cách mạng tại các quốc gia Châu Á. Chỉ là ở thế kỷ 21, nó không cần khẩu hiệu “người cày có ruộng” như năm xưa nào đấy mà người nông dân còn ngây thơ về một viễn cảnh tương lai đầy tốt đẹp.

Ở một quốc gia mà ai cũng có thể mất tài sản đất đai (nếu có) bằng những quyết định trái luật thì cuộc cách mạng mới về quyền tư hữu sẽ càng đến nhanh.” – Nhà báo Mai Quốc Ấn

**

“Lo nhất về chuyện Đồng Tâm, kể cả mấy phán quyết là câu hỏi này: Qua vụ án và những hậu quả của nó, Việt Nam nói chung đã học được cái gì để giúp đất nước tránh những chuyện tương tự trong tương lai? Đặt ra câu cách này thì tất nhiên có thể có những câu trả lời rất mạnh. Biết rồi. Song, ít nhất cũng hy vọng sẽ có những nỗ lực từ mọi phía để xác định những gì cần làm để không còn chuyện thiệt hại. Nếu không, nó chỉ là vết thương hở nữa cho một quốc gia. Ngoài ra, tôi vẫn và luôn luôn chống lại án tử hình. Chả giúp gì hết!”. – GS. TS Jonathan London (Đại Học Leiden, Hà Lan), Chuyên nghiên cứu về các vấn đề chính trị xã hội và kinh tế Việt Nam (nguyên tác tiếng Việt)

**

“Không ai có thể tiên đoán con đường tiến lên nhà nước pháp quyền của người Việt Nam bao giờ sẽ diễn ra và như thế nào. Nồi nước sẽ nổ tung, từ bên trong Đảng hay từ ngoài Đảng, hay cả hai cùng một lúc, nhưng sự bùng nổ là tất yếu, nhất là nếu ông bạn Trung Quốc nhúng tay vào.

Bởi vì không có nền hoà bình nào có thể lâu bền, không một xã hội nào có thể tồn tại mà không có một nhà nước pháp quyền thực sự, mà không có sự tôn trọng tối đa các quyền con người và quyền công dân.” – Menras André (hai quốc tịch Pháp – Việt), nhà làm phim từng đến, phỏng vấn người dân Đồng Tâm vào năm 2017, ©BBC.

Xuân Tường (T/h)

Xem thêm: