Hai ngày sau khi đề xuất tăng mức học phí ở tất cả các cấp học, Bộ GD-ĐT lại gửi Chính phủ đề xuất xem xét cho phép gia hạn Nghị định 86 hiện hành, giữ nguyên mức học phí hiện hành.

tang hoc phi
Việc tăng học phí ở tất cả các cấp học sẽ tác động tới tuyệt đại đa số các gia đình trên cả nước. (Ảnh minh họa: Zeber/Shutterstock)

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản Chính phủ đề nghị gia hạn thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, theo Tuổi Trẻ.

Việc xin gia hạn Nghị định 86 đồng nghĩa giữ nguyên mức học phí hiện hành. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị được lùi thời gian trình ban hành nghị định thay thế sang năm 2021.

Điều đáng nói, đề xuất trên được đưa ra chỉ hai ngày sau khi bản dự thảo lần 2 nghị định với nội dung đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học được đưa ra ý kiến.

Lý giải về điều này, ông Thưởng cho rằng để “giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh”, khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cách lý giải này không sát với thực tế, khi bản dự thảo nghị định đã được đưa ra lần 2, giữa khi đợt bão, lũ đã đổ vào miền Trung hơn một tháng qua và vẫn đang tiếp diễn, còn tác động về kinh tế do dịch bệnh thì thể hiện khá rõ trong nhiều tháng qua.

Tại dự thảo nghị định thay thế vừa được đưa lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí trong 5 năm học tới, bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Đối với bậc đại học, đề xuất tăng mức trần học phí 12,5%/năm; trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước: tối đa bằng 2 lần mức trần; trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước được thu học phí tối đa 2,5 lần trần học phí.

Đối với các cấp học từ mầm non tới phổ thông, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng mức trần 7,5%/năm. Mức trần của khung học phí đối với mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.

Lý giải về mức tăng đề xuất này, Bộ GD-ĐT cho rằng con số đưa ra căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế là 7,5% trong giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Thống kê, cộng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5%năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm; tổng cộng biến động của các chỉ số trên là cao hơn 7,5%.

Bộ này cho rằng cần tăng học phí để giảm gánh nặng ngân sách. Số liệu do bộ này đưa ra cho biết thu học phí trong các trường công lập từ năm học 2015-2016 đến hết năm học 2019-2020 bình quân 42.755 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 19,32% so với tổng chi thường xuyên cho các trường công lập (bình quân 221.250 tỷ đồng/năm giai đoạn 2015-2020). Bộ này cho biết số ngân sách đã chi để miễn, giảm học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng đáng kể so với số thu học phí.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng “đề xuất tăng học phí lúc này là phản cảm”. ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình rằng cần tăng học phí để đảm bảo tự chủ giáo dục. Song, tăng thời điểm nào, bao nhiêu cho phù hợp thì phải tính toán.

“Tôi cho rằng lúc này phải dừng tăng học phí, bởi ngay cả lương cơ sở, dù chúng ta đã có kế hoạch tăng nhưng đã phải dừng vì ngân sách còn khó khăn, nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Chính phủ khó khăn thì chắc chắn người dân khó khăn, nên lúc này không thể tăng học phí”, ông Hòa nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết dịch COVID-19, bão lũ ở miền Trung đang tác động đến cả nền kinh tế, đến miếng cơm manh áo của từng gia đình, nhất là gia đình nghèo. Các lĩnh vực khác không đòi tăng giá lúc này, sao Bộ GD-ĐT lại đòi tăng – ông Vân đặt câu hỏi.

Dẫn thêm vấn đề về sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT hiện vẫn đang giải quyết, ông Vân cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiêm cẩn hơn trong đề xuất tăng học phí này.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: