Hai đường băng 25R/07L (Tân Sơn Nhất) và 1B (Nội Bài) đang xuống cấp. Nếu không sớm nâng cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, dẫn đến việc có thể phải đóng cửa, không khai thác. Tuy nhiên, vốn đầu tư sửa chữa đang gặp khó khăn.

sân bay nội bài
Cảng hàng không Nội Bài. (Ảnh: Gia Bảo)

Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra thực trạng và lên phương án xử lý, sửa chữa hai đường băng bị xuống cấp nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đe dọa an toàn bay.

Theo Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau khi bộ GTVT nhận được báo cáo của tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về 2 đường băng xuống cấp nghiêm trọng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ đã báo cáo Thủ tướng, xin nguồn vốn để cải tạo 2 đường băng này.

Theo Bộ GTVT, việc sửa chữa hai đường băng là điều cần thiết nhưng hiện đang khó khăn về vốn. Bộ kiến nghị Chính phủ bổ sung hơn 4.200 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 – 2020 để nâng cấp khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trong quá trình chờ vốn, 2 đường băng này vẫn được ACV duy tu, bảo dưỡng.

Trước đó, ACV có văn bản gửi bộ GTVT tái đề xuất cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất và đường băng 1B Nội Bài.

Cả 2 đường băng này đều đã khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế nên xuất hiện hư hỏng, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ.

Tại sân bay Nội Bài, tại một số vị trí trên đường CHC 1B thậm chí còn có hiện tượng phun bùn, đặc biệt vào mùa mưa. Đường băng 1B đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm. Đến hết tháng 4/2018 (sau 15 năm), tổng số lần cất hạ cánh trên đường băng này lên tới 284.200.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đường băng 25R/07L đưa vào khai thác từ 2013 với 55.100 lần CHC trong 10 năm. Nhưng hết tháng 4/2018 (sau 5 năm), tổng số lần hạ, cất cánh trên đường này đã là 126.000 lần, vượt nhiều lần thiết kế.

Ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT ACV cho biết nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác 2 đường băng nói trên, nguy cơ uy hiếp an toàn bay tiềm ẩn, dẫn đến việc có thể phải đóng cửa, không khai thác. Khó khăn lớn nhất được nêu ra vẫn là vốn đầu tư sửa chữa đường băng này.

Việc đóng cửa sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho 2 đường CHC còn lại, gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Đồng thời, giảm sản lượng khai thác tại 2 sân bay đông nhất cả nước này.

Trần Tâm

Xem thêm: