Phía Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết nếu công việc diễn ra theo đúng kế hoạch, thì cuối năm 2020, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy thương mại.

đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể chạy thương mại vào cuối năm 2020? (Ảnh: Huệ Như)

Truyền thông trong nước vừa dẫn lời ông Đường Hồng – Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết, dự kiến trong tháng 7/2020, các hạng mục của dự án nghiệm thu xong.

Sau đó, dự án sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày dưới sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trước khi Bộ GTVT nghiệm thu và bàn giao dự án cho TP. Hà Nội.

Hiện 31 chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch viêm phổi Vũ Hán đã hoàn tất cách ly, trở lại làm việc. Trong đó, 12 người hàng ngày phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt làm công tác nghiệm thu, số còn lại kiểm tra vận hành các hạng mục ở hiện trường.

“Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án sẽ đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác”, đại diện Tổng thầu nói.

Thế nhưng, điều kiện để “các công việc diễn ra theo đúng kế hoạch” được phía Tổng thầu nhắc lại là, “chủ đầu tư phía Việt Nam phải thanh toán tiền” ngay sau khi các hạng mục dự án nghiệm thu xong và trước khi dự án vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày.

Phía Tổng thầu EPC khẳng định, lịch vận hành chạy thử 20 ngày sẽ chưa được ấn định cho tới khi, chủ đầu tư thanh toán kinh phí theo hợp đồng cho Tổng thầu.

Xin nói thêm rằng, ngay cả khi yêu cầu thanh toán tiền của Tổng thầu Trung Quốc được đáp ứng, thì lịch chạy thương mại của dự án vào cuối năm 2020 cũng chưa thể đảm bảo.

Lý do đơn giản là vì, sau khi hoàn thành nghiệm thu, dự án còn cần được đánh giá an toàn kỹ thuật do tổ chức độc lập đến từ Pháp tiến hành.

Chính Bộ GTVT hiện cũng chưa biết chính xác thời gian nào đoàn chuyên gia Pháp mới có thể có mặt tại Việt Nam, do dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn biến phức tạp trở lại tại nhiều nước châu Âu và trên thế giới.

Trước đó, hôm 1/6, dư luận trong nước bức xúc khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chưa biết ngày nào mới chạy, nhưng Tổng thầu Trung Quốc đã yêu cầu phải trả thêm 50 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) để vận hành hệ thống và phải thanh toán luôn.

Hôm sau (2/6), Bộ GTVT Việt Nam phát đi thông cáo báo chí, cho biết, số tiền 50 triệu USD không phải là chi phí phát sinh tăng thêm và hiện chưa thanh toán cho Tổng thầu Trung Quốc.

Bộ này cho rằng việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng đã ký.

Hôm 4/6, ông Đường Hồng nói với báo chí trong nước rằng: “Chúng tôi điều động toàn bộ nhân sự sang Việt Nam rất khó khăn vì liên quan đến nhận sự các nhà cung cấp thiết bị.

Mặc dù 100% thiết bị đã về hiện trường được lắp đặt và căn chỉnh 2 năm nay, nhưng một số chi phí chưa được chi trả. Nguyên nhân là chưa nghiệm thu được nên không thể quyết toán.

Nếu không có 50 triệu USD để chúng tôi thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ không cử người sang.

Toàn bộ dự án có 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành, chỉ 1 trong số 11 nhà cung cấp không cử người sang thì không thể hoàn thành được công việc nghiệm thu”.

Dự án Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện Chủ đầu tư là Ban QLDA Đường sắt. Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 (Trung Quốc) là Tổng thầu EPC.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD); điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD), trong đó: Vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong Quý II/2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể vận hành khai thác thương mại.

Kim Long