Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khi đưa vào khai thác thương mại, hành khách sẽ được miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm. Sau 15 ngày miễn phí, giá vé dự kiến ở mức 7.000 – 15.000 đồng/vé/lượt. Mức giá này căn cứ theo quãng đường ngắn dài.

du an duong sat do thi
Một nhánh của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Báo chí Việt Nam hôm 7/4 dẫn lời từ một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông (do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư) dự kiến sẽ chính thức vận hành thương mại vào ngày 30/4/2021.

“Đáng lẽ dự án trên sẽ được vận hành thương mại trong năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chuyên gia của dự án từ Trung Quốc không tham gia được, dẫn đến việc vận hành thử toàn hệ thống cho dự án mãi đến cuối năm 2020 mới thực hiện được”, vị này nói.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), đơn vị khai thác vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, cho biết sau khi tiếp nhận toàn bộ từ Bộ GTVT và đưa vào khai thác thương mại, hành khách sẽ được miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm.

Sau 15 ngày miễn phí, giá vé dự kiến ở mức 7.000 – 15.000 đồng/vé/lượt. Mức giá này căn cứ theo quãng đường ngắn dài.

Giá vé được bán theo ngày, tháng, quý tùy theo nhu cầu của hành khách đi tàu. Cụ thể, Metro Hà Nội áp dụng mức giá 30.000 đồng/vé/ngày và 200.000 đồng/vé/tháng dành cho khách phổ thông.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h – 23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến.

Đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy với tốc độ bình quân 35km/h. Khi vào ga, tàu sẽ dừng 25 – 35 giây để khách lên xuống. Thời gian tàu chạy toàn tuyến hết khoảng 20 phút.

Liên quan đến dự án, công ty Metro Hà Nội đang tuyển dụng bổ sung 107 nhân sự vào vị trí nhân viên, thợ kỹ thuật làm việc tại 10 bộ phận gồm Trung tâm điều độ chạy tàu; Điện lực (quản lý điện); Ga vận tải hành khách; các bộ phận Kiểm tra, sửa chữa thông tin tín hiệu, công trình, điện lực, đường ray, đầu máy/toa xe, thiết bị nhà ga; bộ phận tàu khách…. Thời gian nhận hồ sơ tuyển dụng đến giữa tháng 4/2021.

Báo Lao Động hôm 21/3 trong bài viết “Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Đi chỉ mất 20 phút nhưng chờ đợi 13 năm” cho biết, dự án cho đến nay là “cánh cửa nặng nề mà 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng, từ ông Đinh La Thăng, ông Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Văn Thể chưa mở được”.

“Ai ký? Hay nói đúng hơn là ai dám ký vào biên bản bàn giao lúc này mới là quan trọng”, tờ báo viết.

Cũng theo báo Lao Động, “dịp tháng 3, người ta nhớ lại câu chuyện 6 năm trước: Hà Nội quyết định chặt gần 500 cây xà cừ cổ thụ dọc đường Nguyễn Trãi. Tiếng là để loại bỏ các nhóm cây không phù hợp với đô thị nhưng thực chất là để bảo vệ tuyến đường sắt Hà Đông- Cát Linh.

Hàng trăm cây xà cừ đã “chết oan”, ít nhất là chúng có thể thọ thêm được 6 năm. Chỉ riêng giá trị của hàng cây ấy phần nào nói lên sự hy sinh của người Hà Nội đối với dự án này”.

“Để đi cả tuyến chỉ mất 20 phút, nhưng phải chờ đợi hơn 13 năm trời. Cái giá cho tấm vé tàu và khoảng thời gian 20 phút vàng bạc ấy quá đắt, quá dài…”. Như thế là quá đủ, quá sức chịu đựng rồi!”, tờ báo kết luận.

Kim Long

Lo không có lao động, dự án Cát Linh – Hà Đông phải ưu ái mức lương?