Theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông lỗ lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2021 là 159 tỷ đồng.

tuyen cat linh ha dong
Theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, lỗ lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2021 tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là 159 tỷ đồng. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Trong văn bản trả lời cử tri liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, UBND TP. Hà Nội cho biết từ khi thành lập năm 2014 đến tháng 11/2021 (thời điểm chính thức đưa vào vận hành thương mại), Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (đơn vị vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông, Hanoi Metro) không có phát sinh doanh thu.

Tuy nhiên, để đủ nguồn lực khi vận hành tuyến, Hanoi Metro vẫn phải chi trả lương cho người lao động. “Việc này còn để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động, mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công việc và chi phí đào tạo với số tiền 139 tỷ đồng”, văn bản nêu.

Ngày 6/11/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), Hanoi Metro và Sở Tài chính Hà Nội đã ký biên bản bàn giao và chính thức đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Hanoi Metro được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, lỗ lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2021 là 159 tỷ đồng.

Trong đó, số chi phí phát sinh từ khi thành lập ngày 27/11/2014 đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng; lỗ phát sinh từ ngày 6/11 đến 31/12/2021 là 20 tỷ đồng.

Giới chức Hà Nội giải thích nguyên nhân hoạt động 2 tháng cuối năm 2021 thua lỗ là do chỉ đạt 874.000 lượt khách, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến khoảng 4,9 triệu lượt hành khách.

Ngoài ra, do hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn người dân. Mặc dù lượng hành khách đi chưa cao, song chi phí vận hành (điện, nhân công…) không thể cắt giảm.

Bên cạnh đó, giai đoạn đầu đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, giá vé tạm tính, với số lượng người tham gia giao thông bằng đường sắt chưa cao thì doanh thu bán vé không đủ để bù đắp các chi phí phát sinh liên quan.

Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga. Cơ quan chức năng mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để thuận tiện cho người dân.

“Hà Nội đặt mục tiêu tăng số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sẽ không phát sinh thêm lỗ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ luỹ kế”, UBND TP. Hà Nội cho biết.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông chính thức khai thác thương mại từ tháng 11/2021, lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 13/1/2022, sau 10 năm xây dựng.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó vốn vay gần 13.000 tỷ đồng và vốn đối ứng từ phía Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng.

Tuyến đường dài hơn 13km đi trên cao với 12 ga trên cao, tốc độ thiết kế 80km/h, tốc độ khai thác thương mại trung bình 35km/h. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, cách nhau 3-5 phút/chuyến.

Giới chức Hà Nội mới đây dự kiến sử dụng ngân sách để trợ giá cho đơn vị khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tương tự ngân sách trợ giá cho xe buýt. Trong đó, vé tháng dự kiến được trợ giá khoảng 80%, vé ngày được trợ giá khoảng 50%.

Kim Long