Khoảng cách tiêm mũi vắc-xin COVID-19 bổ sung sẽ giữ nguyên 28 ngày kể từ mũi tiêm cuối, với mũi nhắc lại, khoảng cách sẽ rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng kể từ mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung – theo công bố mới của Bộ Y tế Việt Nam.

Thay đổi trên được đưa ra khi 96,8% dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 80,8% tiêm đủ 2 liều (tính đến ngày 16/12), song số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua (tính đến tối 17/12) vẫn ở mức 15.326 ca/ngày, tử vong 243 ca/ngày.

tiem mui 3 tphcm
Một điểm tiêm mũi 3 cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… tại phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM, sáng 13/12/2021. (Ảnh: HCDC)

Tại Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12, Bộ Y tế thông báo lại về thời gian tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi cơ bản và mũi nhắc lại đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Cục Y tế (Bộ Công an) và Bộ Quốc phòng.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19, trong năm 2021 phải hoàn thành việc tiêm phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người tiêm mũi 1 đã đủ thời gian. Những tỉnh thành đã đạt độ bao phủ vắc xin thì rà soát để tiêm vét sao cho tất cả những người có đủ điều kiện tiêm chủng sẽ tiêm đủ liều.

Đây là các mũi thuộc liều cơ bản, tức liều tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Hiện Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vắc-xin liệu trình 2 liều (thường gọi là mũi 1, mũi 2), mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12, liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Liều nhắc lại là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Cả hai loại mũi tiêm này đều chỉ đang áp dụng đối với người từ 18 tuổi trở lên.

Với thông báo mới cập nhật ngày 17/12, Bộ Y tế cho biết liều bổ sung sẽ tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…; người đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V. Loại vắc-xin tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.

Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Liều nhắc lại sẽ được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Trong đó, trước tiêm tiêm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại là ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung (rút ngắn hơn 3 tháng so với quy định tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12).

Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc-xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin véc tơ vi rút (vắc-xin AstraZeneca).

Theo số liệu của Tiểu ban Điều trị do báo Tuổi Trẻ dẫn vào sáng 18/12, Việt Nam hiện còn 283.522 bệnh nhân theo dõi, điều trị (trong tổng số 1.508.473 ca nhiễm kể từ khi ghi nhận dịch). Trong đó, 243.472 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà; 9.732 ca theo dõi, điều trị tại khu cách ly và 110.257 ca điều trị tại 916 bệnh viện.

So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 10,4%, số ca tử vong tăng 2,9%, số ca nặng tăng 6,1%.

So với tuần trước, số mắc mới tăng 5,1%, số tử vong tăng 9%, số ca nặng, nguy kịch tăng 2,2%, trong đó số thở máy xâm lấn tăng 23,1%. So sánh với tháng trước, số ca nặng, nguy kịch tăng 91,5%, số ca tử vong tăng 167%.

Bộ Y tế cho hay cập nhật vào cuối ngày 17/12, có 7.912 bệnh nhân nặng, bao gồm 5.504 ca phải thở oxy qua mặt nạ, 1.283 ca thở oxy dòng cao HFNC, 140 ca thở máy không xâm lấn, 966 ca thở máy xâm lấn và 19 ca chạy EMCO.

bieu do so ca covid moi thang11 12 2021
Từ tuần 2 tháng 12, số ca mắc COVID-19 mới trong nước (màu đỏ) của Việt Nam liên tục ở mức trên 15.000 ca mỗi ngày. (Nguồn: Bộ Y tế)

Hiện các địa phương đang có số bệnh nhân điều trị cao gồm TP.HCM (70.361), Bình Dương 60.942, Tây Ninh 16.953, Cần Thơ 16.088, Bà Rịa – Vũng Tàu 11.873, Cà Mau 11.335, Khánh Hòa 9.731, Trà Vinh 9.396. Hiện TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long là có nhiều ca diễn biến nặng nhất.

Cập nhật đến ngày 16/12, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 96,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 80,8% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Đã có 60/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 46 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là TP.HCM Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ dưới 50% là Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La. Mặc dù vậy, nhiều tỉnh thành trong đó hiện đang ghi nhận số ca mắc mới, số ca tử vong cao.

Nguyễn Quân

Xem thêm: