Hơn 10 tiếng sau áp quy định cách ly 21 ngày người về/đến từ TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh cho phép người lao động được qua lại giữa hai địa phương sau khi nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai phản ứng rằng quy định trên đang gây xáo trộn, thiếu hụt lao động.

covid 19 go vap 1
Nhiều người dân trốn khai báo y tế tại các chốt kiểm tra bằng cách đi đường hẻm, tại quận Gò Vấp, trưa 3/6. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Quy định mới cho phép các chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp tại TP.HCM được đi xe đưa đón tới nơi làm việc tại tỉnh Đồng Nai, nhưng doanh nghiệp phải đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, dừng trả công nhân trên địa bàn; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch.

Người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K [Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Khai báo y tế – Không tập trung]; mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với quy định; khử khuẩn xe sau mỗi ngày vận chuyển.

Còn chuyên gia, công nhân, người lao động tự do đi lại bằng xe cá nhân phải tuân thủ việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch. Các trường hợp không thực hiện các quy định trên sẽ phải cách ly y tế 21 ngày.

Hàng ngày, có khoảng hơn 6.000 người lao động tại tỉnh Đồng Nai hàng ngày đến các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM để làm việc, theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) và hơn 10.000 lao động, chuyên gia nước ngoài sinh sống ở TP.HCM đến làm việc tại Đồng Nai, theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản hỏa tốc quy định từ 0h ngày 5/6, tất cả người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai phải cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) thời gian 21 ngày, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 7 và thứ 14 (người cách ly trả phí). Lý do là để các chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM không phát sinh tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Tuy nhiên, giải pháp “giãn cách” giữa tỉnh Đồng Nai – TP.HCM được đưa ra và áp dụng đột ngột khiến doanh nghiệp và lao động đồng loạt bị ảnh hưởng. Một độc giả cho hay trong chiều 4/6 “phải chạy đôn chạy đáo để tìm phòng. Chỗ nào cũng hết phòng. Giờ ở phòng hơn cả tồi tàn lại tốn thêm tiền nhà ở TP.HCM…” .

Trước khi quy định được điều chỉnh, một lãnh đạo của một Khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết nhiều công ty ở Nhơn Trạch và Khu công nghiệp Long Thành đang rất “rối” do hoạt động sản xuất bị xáo trộn, và nhiều chuyên gia, lao động có tay nghề tại TP.HCM từ hôm qua (4/5) tới nay vẫn không biết tìm đâu ra chỗ ở, theo báo Thanh Niên.

“Các khách sạn ở khu vực này thì không đủ, mà có đủ người ta cũng không dám nhận khách do phải tuân thủ giãn cách theo quy định. Làm việc online đối với hoạt động sản xuất, quản đốc phân xưởng… thì không khả thi. Lưu trú lại công ty với thời gian gấp gáp như vậy thì xoay sở không kịp. Bố trí cho các chuyên gia ở trọ nhà dân bên ngoài thì lại càng không thể và không ra thể thống gì”, người này nói.

Minh Sơn

Xem thêm:

Trưa 5/6: Thêm 94 ca COVID-19, Tiền Giang ghi nhận ca nhiễm đầu tiên