Trong vụ gian lận thi, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn cho biết “ban đầu bị cáo nói không giúp song bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nói có cả Trưởng phòng PA83 chống lưng rồi, lo gì?”. Trưởng phòng PA83 mà bị cáo Tuấn nói đến chính là bị cáo Khương Ngọc Chất.

gian lận thi Hòa Bình
Trước đó, các bị can liên quan đến vụ gian lận thi Hòa Bình đã bị bắt, bị khởi tố. Trong đó, Nguyễn Khắc Tuấn, Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Vinh (hàng thứ nhất, từ trái qua). (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ngày 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên sơ thẩm vụ gian lận thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Trong 15 bị cáo liên quan vụ án, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – cựu trưởng phòng khảo thí bị cáo buộc đã chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn Ngữ Văn nâng điểm cho 20 thí sinh.

Tại tòa, bị cáo Liên cho biết lý do yêu cầu các giám khảo phải chấm theo hướng nâng điểm là vì nể nang.

Bị cáo khai đã đề nghị các giám khảo chấm có lợi cho học sinh của tỉnh mình nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu. “Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Tôi không có chỉ đạo với bất kỳ trường hợp nâng điểm nào cụ thể. Cáo trạng nêu tôi có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của tôi là do nể nang“.

Đáng chú ý, bà Liên cho rằng có nhiều trường hợp được nâng điểm, không làm theo sẽ khó vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật“.

Cũng trong phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn – chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết rất hối hận vì nâng điểm; do nể nang Đỗ Mạnh Tuấn – nguyên Phó hiệu trưởng trường nội trú Lạc Thủy kiêm Ủy viên chấm thi trắc nghiệm vì “anh Tuấn đã giúp tôi lên Sở, còn cho tôi ở nhờ,… nên tôi mới nhận lời”.

Ban đầu bị cáo nói không giúp song bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cho biết có cả Trưởng phòng PA83 chống lưng rồi, lo gì?” – bị cáo Khắc Tuấn nói thêm.

Còn bị cáo Bùi Thanh Trà – giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ Văn khẳng định không có vụ lợi trong việc yêu cầu giám khảo nâng điểm.

Tinh thần chung là khi chấm thi cho học sinh tỉnh mình cần chấm nới tay vì biết học sinh Hòa Bình học lực yếu… Chấm nới tay vì môn Ngữ văn quan điểm của mỗi giáo viên khác nhau. Bản thân tôi tham gia chấm thi THPT 2018 không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò. Tôi chấm nới tay để giúp được các em có cơ hội được lấy bằng tốt nghiệp, có cơ hội việc làm” – bà Trà nói.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị cáo Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi đã cùng các bị cáo khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nâng điểm cho 65 thí sinh gồm: 64 thí sinh thi năm 2018 và 1 thí sinh thi năm 2017.

Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.

Phạm Toàn