51,8% sinh viên tại 3 trường được khảo sát cho biết từ đầu năm học 2021-2022 đến nay đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

dai hoc si pham ha noi
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã thực hiện khảo sát về tình hình an toàn của sinh viên trong khuôn khổ dự án “Khuôn viên trường đại học an toàn” tại 3 trường gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Hồng Đức

Kết quả cho thấy có 944 sinh viên (chiếm 51,8%) được khảo sát ở cả 3 trường đại học đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

Trong đó, số sinh viên nữ bị quấy rối tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn sinh viên nam ở tất cả các biểu hiện và hình thức quấy rối tình dục khác nhau.

Cụ thể, với các biểu hiện khác nhau của các hình thức quấy rối tình dục được khảo sát gồm lời nói, hình ảnh, hành vi động chạm trực tiếp, phô dâm…, số lượng sinh viên nữ báo cáo đã từng bị quấy rối cao hơn hẳn so với sinh viên nam, với tổng số 812/944 sinh viên (chiếm tỷ lệ 86%).

Ở dạng quấy rối tình dục bằng lời nói như: có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến bạn cảm thấy khó chịu, có 315 sinh viên nữ báo cáo, trong khi số sinh viên nam trải nghiệm dạng bạo lực này chỉ có 23 em.

Với trải nghiệm hành vi phô dâm và quấy rối tình dục bằng hình ảnh như cho xem hoặc gửi cho những hình ảnh, video tình dục mà bạn không muốn xem hoặc không muốn nhận, số lượng sinh viên nữ cũng bị quấy rối cao hơn với 140 em, trong khi sinh viên nam chỉ là 15 em.

Kết quả khảo sát cho thấy có 105/350 cán bộ, giảng viên (tỷ lệ 30,2%) ở cả 3 trường đã từng trải nghiệm ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục.

Ngoài ra, cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều đã từng bị các hình thức bạo lực khác nhau như: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục; trong đó bạo lực tinh thần là nhiều nhất.

Đáng chú ý, có tới 51% sinh viên không biết có phòng tham vấn tại nhà trường.

Kết quả khảo sát cũng cho biết có 68,8% nạn nhân bị quấy rối tình dục còn e dè, lo sợ tiết lộ câu chuyện riêng tư của mình và đặc biệt sinh viên lo sợ mình sẽ bị đánh giá là nguyên nhân gây nên sự việc.

50% nạn nhân lo lắng người mà các em tố cáo hoặc những người khác có thể phát hiện ra và làm điều gì đó để trả thù hoặc lo sợ mọi người sẽ không giữ bí mật.

Trước thực trạng trên, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hồng – Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng các trường đại học cần có kế hoạch và tổ chức các khóa tập huấn, seminar, talkshow sinh viên để nâng cao hiểu biết về bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng như các loại bạo lực, và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực…; cần xây dựng phòng tham vấn tâm lý ở tất cả các trường nhằm hỗ trợ cho sinh viên và giảng viên; cần lắp camera ở khu vực không an toàn để có thể phát hiện, bảo vệ thường xuyên…

Minh Long