Từ ngày 19/5 tới đây, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng (tăng 37,5%), theo quyết định do Chính phủ Việt Nam vừa ban hành.

sinh vien doi xe buyt
Mức vay đối với học sinh, sinh viên được tăng hơn 37%, song điều kiện vay và yêu cầu trả vốn, trả lãi siết chặt hơn so với quy định hiện hành. (Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Tại Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký, từ ngày 19/5/2022, mức cho vay đối với mỗi học sinh, sinh viên tối đa là 4 triệu đồng/tháng.

So với mức cũ đã áp dụng từ 1/12/2019, mức cho vay tối đối với học sinh, sinh viên đã tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/người.

Nhóm học sinh, sinh viên được vay vốn thay đổi. Tại quy định cũ, các học sinh, sinh viên được vay vốn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; thuộc hộ nghèo hoặc hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.

Quy định mới bỏ điều kiện là trẻ mồ côi hoặc người bảo hộ không có khả năng lao động, xác định nhóm học sinh, sinh viên được vay vốn khi thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, hoặc hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Quy định về trả nợ gốc và lãi tiền vay cũng được sửa đổi, quy định kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng, học sinh, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. học sinh, sinh viên có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn. Trước đó, việc trả nợ gốc và lãi tiền vay được yêu cầu thực hiện ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.

Quy định mới nêu rõ mức vay tối đa nêu trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ ngày 19/5/2022. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký hợp đồng trước ngày 19/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục được thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký.

Trước đó, tại đề xuất của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên hồi tháng 7/2021, Bộ Tài chính dẫn đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo rằng mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/người) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (học phí và chi phí sinh hoạt). Trong đó, mức chi phí học tập của một học sinh, sinh viên là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).

Bộ này cũng dẫn ý kiến của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho rằng tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/người đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Tại thời điểm đề xuất, mức đáp ứng đã giảm xuống 37% do tình hình lạm phát. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm do dự kiến tăng học phí theo đề xuất của Bộ GD-ĐT cộng với chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng.

Mức cho vay tối đa đối với mỗi học sinh, sinh viên từng được điều chỉnh từ 1,25 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng vào tháng 6/2017; tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 2,5 triệu đồng/tháng kể từ tháng 12/2019.

Nguyễn Sơn