“Mặc dù chỉ cách ly 2.000 người thôi, nhưng anh em y tế nói kiệt sức rồi… “ – Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Trường Sơn gián tiếp xác nhận về tình trạng quá tải về nhân lực tại TP.HCM, giữa bối cảnh 667 ca nhiễm trong 24h (từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6) được công bố, hơn 11,5 ngàn người tại TP này phải chuyển vào trong các khu cách ly tập trung, chưa kể hơn 26,6 ngàn người cách ly tại chỗ trong các điểm phong tỏa. 

tiem vac xin nha thi dau phu tho tphcm 1
Sáng 25/6, hàng ngàn người đợi đến lượt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Virus Vũ Hán đang gây nên đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, sau khi “gây bão” tại các tỉnh phía Bắc (các điểm nóng Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh), tiếp tục bao trùm khu vực phía Nam với tâm dịch tại TP.HCM và lan ra nhiều tỉnh thành.

Dịch bùng phát và diễn biến “leo thang” tại TP.HCM đặt ra bài toán lớn, cũng đồng thời là mối nguy đối với Việt Nam khi thành phố này góp bình quân tới 27% thu ngân sách cả nước. Sau một tháng ghi nhận dịch (từ 27/5), tình hình dịch tại TP.HCM đang diễn ra ra sao, với những nỗ lực của giới hữu trách và các nguy cơ thực tế như thế nào?

Gấp rút nâng tổng công suất điều trị lên 5.000 giường, 10.000 giường

Ngày 26/6, Sở Y tế TP.HCM công bố mở thêm 2 bệnh viện dã chiến tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (quy mô 1.000 giường) và ký túc xá khu A của Đại học Quốc gia TP.HCM (quy mô 4.000 giường), nâng tổng số giường điều trị COVID-19 tại TP lên 10.000 giường.

Quyết định này được lý giải rằng các bệnh viện dã chiến sẽ chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (hiện chiếm khoảng 80% ca bệnh). Việc phân loại độ nặng của bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến phù hợp, giúp giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện và tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

tong cong suat dieu tri covid tphcm
Mô hình “tháp 3 tầng”, phân cấp mức chuyên trách của 11 bênh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM. (Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Động thái này diễn ra chỉ hai ngày sau khi tổng công suất giường điều trị COVID-19 tại TP được nâng lên 5.000 giường, khi trưng dụng thêm Bệnh viện huyện Bình Chánh (quy mô 500 giường) và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (quy mô 1.000 giường) vào nhóm các bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Tại thời điểm này, Vnexpress dẫn thông tin cho hay 5/9 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 tại TP.HCM đã dùng gần hết giường. Tại các bệnh viện: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường) Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (80), Bệnh viện Nhi đồng 2 (60)và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi (500), bệnh nhân mắc COVID-19 đã phủ từ 80% đến gần 100% công suất.

Theo đó, chỉ sau 2 ngày nâng tổng số bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM lên con số 11, nhóm các bệnh viện này được chuyển hẳn sang chuyên trách điều trị COVID-19 và hồi sức cấp cứu chuyên sâu các ca COVID-19 nặng và nguy kịch với tổng công suất lần lượt là 4.000 giường và 1.000 giường; và TP mở tiếp 2 bệnh viện dã chiến với tổng công suất 5.000 giường chuyên tiếp nhận các ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hàng trăm ca nhiễm được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa có được coi là an toàn?

Tại cuộc họp chiều 25/6, 667 ca do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo gồm: 99 ca trong khu phong tỏa; 538 ca trong khu cách ly; 14 ca phát hiện khi đi khám tại bệnh viện; 1 ca bị phơi nhiễm nghề nghiệp (là hộ lý tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh); 10 ca đang điều tra dịch tễ; 1 ca phát hiện khi mở rộng xét nghiệm; 2 ca giám sát sau cách ly tập trung; 2 ca nhập cảnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong cho rằng nhìn con số tổng thể trên là lớn, nhưng số này phát hiện hầu hết trong khu cách ly, khu phong tỏa [chiếm 95% tổng số ca]; ngoài cộng đồng chỉ có khoảng 10 trường hợp đang điều tra dịch tễ, mà những trường hợp này vẫn chưa thể khẳng định là chưa rõ nguồn lây.

Tuy nhiên, cập nhật của HCDC cho biết tính đến 7h ngày 25/6, toàn TP có 10.887 người đang cách ly tập trung, 26.259 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Con số này đến 7h ngày 26/6 là 11.528 người đang cách ly tập trung, 26.637 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú, tức sau 24h, số người cách ly tập trung và cách ly tại chỗ đã tăng tương ứng 641 người và 378 người, tổng cộng gấp hơn 6 lần số ca nhiễm (ngày 25/6 ghi nhận 161 ca).

Vì thế, việc phát hiện ca nhiễm trong khu phong tỏa, cách ly không thể là căn cứ để nhận định mức độ an toàn của tình hình dịch bệnh, khi các F1, F2 là nhóm đối tượng đầu tiên tiềm ẩn nguy cơ dương tính, còn TP này đang ghi nhận tới 498 điểm phong tỏa (tính đến 14h ngày 25/6).

Một vấn đề khác là tình trạng quá tải dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Trong cuộc họp chiều 25/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn xác nhận số lượng F1 tại TP HCM tăng rất nhanh đang gây nên nhiều khó khăn. “Mặc dù chỉ cách ly 2.000 người thôi, nhưng anh em y tế nói kiệt sức rồi. Rác thải vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp”, ông Sơn nói về khu cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia.

Dưới áp lực trên, khuyến nghị “TP.HCM nên tranh thủ cách ly F1 tại nhà” đã được Bộ Y tế đưa ra, thay vì chỉ dừng lại ở mức đề nghị của Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng.

“Bài học ở Bắc Giang là một điển hình, cách ly tập trung mà cả tầng tắm chung, sử dụng một nhà vệ sinh nên chỉ cần một người nhiễm là lây ra ca khu. Về sau phải cho giãn ra mới khống chế được lây lan” – “lỗ hổng” ngừa dịch tại Bắc Giang lần đầu tiên được đề cập, theo lời ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ nói khi đi thị sát khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia, sáng 26/6, theo Vnexpress.

Mối nguy thực sự ở TP.HCM vẫn tồn tại trong cộng đồng dân cư

Thực tế nguy cơ dịch lan rộng trong cộng đồng đã được giới hữu trách nêu ra trong cuộc họp chiều 25/6. Đại diện Chính phủ – Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và đại diện Bộ Y tế – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đều bày tỏ lo ngại khi TP.HCM đang xuất hiện nhiều ca nhiễm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

“Bây giờ các chợ có cấm hay không? Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, cấm luôn. Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp” – ông Bình nói, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa – theo tin từ Tuổi Trẻ.

Nguy cơ lây nhiễm từ các chợ lớn tại TP.HCM đang hiện hữu ra sao?

Từ một tiểu thương bán trái cây được phát hiện dương tính hôm 12/6 qua xét nghiệm tầm soát, Chợ đầu mối Hóc Môn ghi nhận thêm 13 tiểu thương, 1 bốc xếp, 1 giao hàng, 1 mua hàng và 5 người nhà nhiễm bệnh.

Ngày 19/6, từ 3 tiểu thương tại chợ Sơn Kỳ (có đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng), xét nghiệm tầm soát phát hiện thêm 71 ca.

Tại chợ Bình Điền (quận 8), ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hôm 16/6 là 1 bốc xếp, phát hiện qua tầm soát bệnh nhân tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Từ đó phát hiện thêm 7 ca đều là bốc xếp tại chợ và 19 ca là các trường hợp tiếp xúc gần.

Tại chợ Kim Biên, ngày 16/6, phát hiện 1 người nhà của nhân viên cửa hàng quẹt GAS, 38A Vũ Chí Hiếu trong chợ nhiễm bệnh, do Bệnh viện quận 10 tầm soát. Từ đó ghi nhận thêm 4 nhân viên cùng cửa hàng, 3 người nhà, và 1 người đi khám cùng khung giờ nhiễm bệnh.

Chiều 26/6, thêm một F1 sống gần chợ Bà Chiểu là F1 (đã đưa đi cách ly) thành F0, trăm tiểu thương tại chợ này vào diện phải xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Một số giải pháp đã được đưa ra như công văn hỏa tốc trong chiều 26/6 của Sở Công thương TP yêu cầu các chợ tạm ngưng bán những hàng hóa không thiết yếu, chỉ bán lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, các tiểu thương phải ghi lại thông tin khách hàng (họ tên, số điện thoại, thời gian mua bán…) để truy vết khi cần thiết; ban quản lý chợ phải chặn lối phụ, phân luồng lối ra/vào, điều tiết lượng khách để đảm bảo giãn cách 1,5m.

Tối muộn cùng ngày, UBND huyện Hóc Môn chính thức tạm dừng việc mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Hóc Môn từ 0h ngày 28/6 đến 0h ngày 4/7 (7 ngày).

Các biện pháp trên cho thấy giới chức TP vẫn cố gắng đưa ra các giải pháp trung gian để vừa kiềm tỏa dịch bệnh vừa duy trì hoạt động mua bán, kinh doanh.

Xét nghiệm – khoanh vùng – tiêm vắc-xin – bộ ba giải pháp hiện vẫn được TP.HCM áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. 836.000 liều vắc-xin chính thức được đưa vào tiêm chủng cộng đồng từ ngày 21/6 tới nay. Từ ngày 26-30/6, giới y tế tại TP sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và từ ngày 1-5/7 tại TP Thủ Đức và các quận huyện còn lại, theo phương pháp lấy mẫu gộp 10, gộp 15 với số lượng 500.000 người/ngày, theo HCDC, tức tổng cộng 5 triệu người.

Những nỗ lực trên vẫn tiếp diễn khi tổng số ca nhiễm tại TP sau tròn một tháng ghi nhận dịch đã tăng lên con số 3.018 ca, chiếm 25% trong tổng 11.945 ca trên cả nước của đợt bùng phát.

Có một điểm cần nhìn lại, rằng sau hai tháng ghi nhận đợt bùng phát thứ 4, dòng thông tin về dịch bệnh dường như đang ngày càng “chảy xô” theo diễn biến chống dịch, để lại khoảng trống về nguyên nhân bùng phát của đợt dịch. Có ý kiến cho rằng đợt nghỉ 30/4-1/5, chiến dịch làm thẻ căn cước công dân và đợt bầu cử 23/5 là những sự kiện góp phần làm dịch bùng phát và lây lan mất kiểm soát ngay sau đó.

Nhận định trên có đúng hay không, vẫn còn cần nhiều cơ sở để xác thực. Tuy nhiên, nó đặt ra vấn đề rằng các nhân tố gây bùng phát dịch cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để tránh lặp lại sai lầm, như việc nhiều cá nhân đã bị khởi tố vì làm lây lan dịch bệnh. Điều này càng cần thiết hơn khi vắc-xin cũng có thể chỉ là giải pháp tình thế khi điều này không đủ để đảm bảo dịch không tiếp tục xảy ra. Một số nước đã đạt 50% dân số tiêm vắc-xin nhưng dịch vẫn có thể bùng phát – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay tại cuộc họp chiều 26/6.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Bắc Kinh chỉ trích Hà Nội “thất hứa” không tiêm Sinopharm cho người Trung Quốc trước