Hạt Kiểm lâm Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã điều tra phát hiện 23 phách gỗ bạch tùng với khối lượng 1,555 m3 bị lâm tặc khai thác trái phép từ rừng nguyên sinh nằm trong vườn nhà của Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng.

rung bach tung bi cua ha lam dong
Một số cây bạch tùng có đường kính gốc đến hai người ôm bị chặt phá. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 thuộc xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vừa xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng.

Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cho biết đây là lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Theo báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, có 11 cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị cưa hạ, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là hơn 20m3, trong đó có 7 cây bạch tùng, với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 14m3; còn lại là 4 cây Dẻ, với khối lượng gỗ là hơn 6,3m3.

Quá trình điều tra, hôm 20/11, cơ quan chức năng phát hiện có 23 phách gỗ bạch tùng với tổng khối lượng 1,555 m3 nằm trong vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, sống ở thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, Lâm Hà). Những phách gỗ này có cùng chủng loại và chiều dài với những lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng.

Đáng lưu ý, ông Tuyến là Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 249. Ông Tuyến cho biết ông đã mua số gỗ trên của Bùi Minh Chí (SN 1982, sống cùng thôn).

Bước đầu, Hạt kiểm lâm Lâm Hà xác định một nhóm gồm 6 người nghi đã khai thác rừng trái pháp luật.

Theo ông Đồng Văn Tuyên, khu vực rừng bị khai thác trái phép là rừng nguyên sinh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Ông Tuyên cho hay theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

Được biết, bạch tùng là loại gỗ có giá trị rất cao, được ưa chuộng trên thị trường, sức tiêu thụ lớn. Gỗ bạch tùng có mùi thơm dịu nhẹ, khó ẩm mốc, phù hợp với tập tính thu hút và nuôi chim yến; là nguyên liệu được ưa chuộng trong nghề chạm tranh bút lửa…

Phạm Toàn