Trong tuần qua, nhiều trường học ở Hà Nội ghi nhận các ca mắc thủy đậu. Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

benh thuy dau
Giới chức Y tế phun thuốc khử khuẩn tại lớp học ghi nhận ca thủy đậu. (Ảnh: soyte.hanoi.gov.vn)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần qua, TP. Hà Nội đã ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Tổng số ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay là gần 550 ca, chưa có ca tử vong.

Đa phần bệnh nhân thủy đậu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0).

Đáng chú ý, trong tuần qua, huyện Chương Mỹ ghi nhận 23 ca thủy đậu. Số ca mắc ghi nhận rải rác ở trường học của địa phương này.

CDC Hà Nội nhận định so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; ngoài ra, bệnh cũng lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 3 tuần và khởi phát đột ngột với những triệu chứng như nổi mụn nước ở vùng đầu, tay chân, cơ thể; người bệnh có sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, nôn, chán ăn… Mụn nước xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân với kích thước từ 1- 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh có thể có những biến chứng rất nghiêm trọng. Biến chứng nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố khác thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona (giời leo).

Các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh cần tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng.

Minh Long