3 địa phương là Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng đã bị Ban Chỉ đạo COVID-19 Quốc gia lấy dẫn chứng cho việc ban hành các quy định phòng, chống dịch chưa cân nhắc kỹ lưỡng, gây bức xúc trong dư luận.

hanoi un u giay di duong
Hàng trăm người bị ùn ứ tại chốt kiểm soát “vùng đỏ” Cầu Diễn, Hà Nội, sáng 6/9. (Ảnh: Tran Tuan Anh/Tôi yêu Hà Nội/Facebook)

Chiều ngày 5/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo đã nêu một trong những vấn đề tồn tại, thách thức trong phòng dịch là vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ khi ban hành các quy định như về vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, là chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì thế, việc này đã nên gây bức xúc trong dư luận.

Ban Chỉ đạo còn nói một số địa phương còn ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo.

Trước đó, ngày 8/8, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố. Theo đó, người đi đường sẽ phải trình tới 4 loại giấy tờ, ngoài ra giấy đi đường còn phải được phường, xã xác nhận.

Phần lớn người dân thủ đô đã không thể kịp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định do văn bản được đưa ra “thần tốc” vào ngày nghỉ sát ngày đi làm. Việc siết chặt kiểm tra cũng khiến nhiều chốt kiểm tra ùn ứ, gây tắc đường, không đảm bảo giãn cách 5K, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Điều đáng nói hơn, sự tham gia của phường vào quy trình xét cấp giấy đi đường đã bộc lộ rõ nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.

Quy định này sau đó đã nhanh chóng được Hà Nội điều chỉnh theo hướng giảm thiểu các giấy tờ xét duyệt và giảm bớt các đối tượng phải xin giấy đi đường qua phường, xã.

Tuy vậy, đến ngày 3/9, Hà Nội lại ra quy định mới trao quyền cho công an phụ trách việc cấp giấy đi đường có mã QR. Thành phố cũng phân các đối tượng xin giấy thành 6 nhóm với quy trình gồm nhiều bước, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời có nguy cơ gây ùn ứ, không đảm bảo giãn cách.

Đến ngày 5/9, công an Hà Nội đã lại điều chỉnh quy định nêu trên theo hướng giảm thiểu các đối tượng phải xin qua công an. Tuy nhiên, quy định mới vẫn gây bức xúc cho người dân vì quy trình phức tạp, bỏ sót nhiều đối tượng không được coi là thiết yếu.

Trong khi đó, TP Cần Thơ yêu cầu các phương tiện muốn vào thành phố phải đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, gây ách tắc giao thông, khiến lái xe và doanh nghiệp bức xúc, gây chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP HCM.

Còn TP Hải Phòng yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính và tiêm 2 mũi vắc-xin mới cho người ngoài vào thành phố công tác. Nhiều lái xe các công ty vận tải hầu hết không đáp ứng được yêu cầu này, nên tình trạng hàng hóa XNK qua cảng Hải Phòng trong tình trạng ách tắc, chậm trễ.

Về tình hình tiêm vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 21,5 triệu liều vắc-xin, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên; trong đó hơn 15,1 triệu người tiêm 1 liều và hơn 3,2 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin. 

Đến ngày 4/9, số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin tại một số địa phương như sau: TP Hà Nội (hơn 3 triệu liều, đạt 52,7%); TP HCM (hơn 6,1 triệu liều, đạt 88,0%).

Bộ Y tế cũng vừa có công điện riêng gửi Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai, yêu cầu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15/9 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Tuấn Minh

Xem thêm: