Dự án có tổng chiều dài 5,5 km, mặt cắt rộng 60 m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, đáp ứng tốc độ lưu thông 80 km/giờ; dự kiến hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

duong vanh dai ha noi 3
Hà Nội đầu tư 1.000 tỷ đồng xây đường nối Đại Lộ Thăng Long và QL32 (Ảnh minh họa: shutterstock)

Sáng ngày 28/10, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32  thuộc địa phận huyện Hoài Đức”.

Theo thiết kế, dự án có tổng chiều dài 5,5 km, mặt cắt rộng 60 m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, đáp ứng tốc độ lưu thông 80 km/giờ; dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Ngoài diện tích dành cho lưu thông, đường còn có dải phân cách giữa rộng 5,5 m, bố trí trồng cây xanh để tạo cảnh quan và góp phần bảo vệ môi trường.

Điểm đầu đoạn tuyến nằm tại nút giao với Đại lộ Thăng Long (nút giao do Bộ GTVT đầu tư xây dựng); điểm cuối nối với QL32.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 360 tỷ đồng và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết đoạn tuyến vành đai 3,5 đi qua địa phận huyện Hoài Đức giúp kết nối 3 trục chính là QL32, Hồ Tây – Ba Vì, Đại lộ Thăng Long. Đoạn đường cũng góp phần khép kín vành đai 3,5, giảm tải cho vành đai 3; kết nối 2 bờ Bắc – Nam sông Hồng.

Ông Hùng cũng yêu cầu cơ quan chức năng liên quan và các đơn vị thi công, tư vấn phải đảm bảo an toàn lao động, ATGT, đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai 2,5; 3,5 và vành đai 4.

Tổng mức đầu tư các dự án trên khoảng hơn 66.000 tỷ đồng. TP. Hà Nội dự kiến thu xếp nguồn vốn cho các dự án bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên khu vực các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các khu vực lân cận nơi có dự án đi qua.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cho biết đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép tiến hành thực hiện các dự án này theo hình thức PPP, BT hoặc BOT.

Dự án đường vành đai 3,5 gồm:

  • Đề xuất xây dựng cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2021.
  • Dự án xây dựng đoạn cầu Thượng Cát – Quốc lộ 5 kéo dài với chiều dài 4 km cần số vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
  • Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát – Quốc lộ 32 dài 3 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.594 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2020.
  • Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long bao gồm cầu vượt và đảo xoay (3 tầng) cần tới 2.555 tỷ đồng đầu tư và hoàn thành năm 2020;
  • Dự án xây dựng đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 10,8 km có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.

Hoàng Minh

Xem thêm: