UBND TP. Hà Nội chi 16 tỷ đồng để bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đến năm 2025.

boi duong ky nang day hoc cho giao vien
UBND TP. Hà Nội chi 16 tỷ đồng để bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đến năm 2025. (Ảnh minh họa: hanoitvn.vn)

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông ở Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, theo đề xuất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/12. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện đề án.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Từ năm học 2020-2021, TP. Hà Nội đưa môn này vào dạy thí điểm, sau đó dạy chính thức cho học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện chưa có đội ngũ giáo viên chuyên biệt để dạy môn này mặc dù tài liệu môn Giáo dục địa phương đã biên soạn xong.

Hơn nữa, theo kết quả bước đầu khảo sát ở một số trường, giáo viên đang lúng túng về phương pháp lên lớp do thiếu tài liệu và đặc biệt chưa có kiến thức chuyên sâu về Hà Nội để dạy học sinh.

Do đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đề xuất đề án này, nhằm trang bị cho giáo viên kiến thức cơ bản trên mọi lĩnh vực của Hà Nội.

Thời gian thực hiện đề án từ nay đến năm 2025, gồm toàn bộ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông của Hà Nội và sinh viên các ngành sư phạm đang học ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Lộ trình triển khai dự án qua hai giai đoạn. Giai đoạn 2021-2022 tập trung phổ biến nội dung đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; triển khai một số nội dung của đề án. Giai đoạn 2022-2025 sẽ thống nhất về chương trình và nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông; bồi dưỡng thí điểm, xây dựng 2 phòng học mô phỏng về không gian văn hóa Hà Nội phục vụ dạy và học Hà Nội học; mở các lớp bồi dưỡng cho giáo viên và đào tạo tích hợp cho sinh viên các ngành sư phạm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học Giáo dục địa phương TP. Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu cho giáo viên về Hà Nội.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, THCS và THPT sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học.

Cũng đến năm 2025, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 16 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn hợp pháp khác.

Môn Giáo dục địa phương: Nhiều địa phương gặp khó

Giáo dục địa phương là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 cho đến lớp 12.

Ở bậc tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước vào áp dụng đến năm thứ 3, bậc THCS là năm thứ 2 và bậc THPT là năm đầu tiên.

Tuy nhiên, hầu như các khối lớp hiện đều chưa có sách, tài liệu chính thức để giáo viên dạy, học sinh học về môn Giáo dục địa phương. Đặc biệt, có 2 khối lớp 7 và 10 hiện chưa thể tổ chức dạy môn học này khi năm học 2022 – 2023 đã qua gần hết nửa học kỳ.

Hiện nay không chỉ TP.HCM mà nhiều địa phương khác cũng gặp trở ngại khi thực hiện môn học mới này ở cả tài liệu và nguồn giáo viên tham gia giảng dạy.

Báo Thanh Niên dẫn lời lãnh đạo một phòng GD&ĐT cho hay: “Đây là chương trình, môn học do Bộ quy định nhưng nội dung do mỗi tỉnh, thành tự biên soạn. Theo tôi được biết, TP.HCM đã biên soạn xong, giờ trình UBND TP và Bộ thẩm định, phê duyệt. Nhưng đến giờ này chưa phê duyệt mà năm học đã gần hết nửa học kỳ 1. Năm trước do dịch không nói còn năm nay không hiểu vì lý do gì?”.

Theo một lãnh đạo phụ trách chuyên môn bậc học của Sở GD&ĐT, việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương khác với tài liệu môn học khác. Một vấn đề cấp địa phương làm sẽ khó hơn tài liệu về khoa học giáo dục.

Vị này lấy ví dụ, khoa học giáo dục có nhiều chuyên gia, nhiều tư liệu, nhiều nguồn tham khảo còn nội dung Giáo dục địa phương cần có tính phù hợp, tính đảm bảo yêu cầu của địa phương… Do đó phần triển khai thẩm định phải kỹ dù khẩn trương tối đa nhưng cũng không tránh được việc chậm với thời gian của năm học. Giải pháp phù hợp là khi có tài liệu thì các trường bổ sung, điều chỉnh vào kế hoạch dạy học cụ thể, vị này nói.

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung Giáo dục địa phương được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của một tỉnh trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế – chính trị, bảo vệ môi trường… của tỉnh, gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn.

Theo đó, đối với bậc tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Đối với bậc THCS, THPT, nội dung Giáo dục địa phương của tỉnh được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học. Ở bậc trung học, nội dung Giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu Giáo dục địa phương của một tỉnh có vị trí như sách giáo khoa.

Theo quy định của Bộ, Sở GD&ĐT các địa phương thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, lựa chọn nội dung, tổ chức biên soạn tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương, đảm bảo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp từng lứa tuổi và đặc điểm vùng miền, điều kiện địa phương.

Sở tổ chức thẩm định tài liệu, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu và báo cáo Bộ GD&ĐT về tài liệu đã được phê duyệt.

Văn Duy