Thông báo kết luận thanh tra do Thanh tra Hà Nội công bố sáng nay (25/7) tiếp tục khẳng định “không có đất nông nghiệp tại xứ đồng Sênh”.

vu xa dong tam
Cơ quan Thanh tra TP Hà Nội kết luận 236,7 ha khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, trong khi người dân xã Đồng Tâm khẳng định đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha, còn lại là đất nông nghiệp của người dân. (Hình ảnh: Google Maps)

Ngày 25/7, Thanh tra TP Hà Nội có Thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Nội dung chính của kết luận không khác so với dự thảo kết luận đã công bố tại UBND huyện Mỹ Đức vào ngày 7/7. Thanh tra thành phố khẳng định diện tích 59 ha là diện tích bị ảnh hưởng của thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, không có đất nông nghiệp xứ đồng Sênh.

Không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”, bản kết luận ghi.

Theo thông báo kết luận, hiện trạng đã được kiểm định của cơ quan đo đạc Bộ TN&MT (ngày 21/6/2017) không có thay đổi, chuyển dịch, có tổng diện tích 236,7 ha, tăng 28,7 ha so với diện tích ghi trong Quyết định ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ.

Diện tích 28,7 ha tăng này là diện tích thuộc phần 31,9 ha bị ảnh hưởng của thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, không sản xuất nông nghiệp được và nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn do Nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh (sau khi trừ đường giao thông 2,5 ha và sai số do đo đạc 0,7 ha).

Trong diện tích 236,7 ha có 64,03 ha thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, là đất quốc phòng và do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng.

‘Buông lỏng quản lý, chiếm đất quốc phòng’

Thanh tra TP Hà Nội khẳng định từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, các đơn vị quốc phòng cũng như UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài khi để một số hộ dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng.

Cụ thể, trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng canh tác đất tăng gia hàng năm với UBND xã Đồng Tâm để UBND xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp, từ năm 2012 đã dừng việc ký hợp đồng canh tác đất tăng gia nhưng đến nay các hộ dân vẫn đang sản xuất nông nghiệp tại đây, là buông lỏng quản lý đất quốc phòng”, theo nội dung kết luận.

Từ năm 2003 đến năm 2010, UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận các hồ sơ thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng của các hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng. Việc này là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

19 cá nhân có sai phạm đã bị kỷ luật về Đảng với 8 người bị khai trừ, 14 người bị khởi tố, Thanh tra thành phố cho biết.

Về kiến nghị của ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha (có đơn nêu là 96 ha), Thanh tra Thành phố phản hồi là “không đúng”.

vu xa dong tam
Trước khi công khai kết luận, ngày 7/7, các cơ quan nhà nước công bố dự thảo kết luận thanh tra. Hình ảnh tại buổi công bố tại UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội. (Ảnh cắt video)

Thu hồi dự thảo phương án đền bù cho 14 hộ dân

Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng chỉ 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, HTX nông nghiệp Đồng Tâm cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980, giấy tờ của các trường hợp khác không có căn cứ pháp luật.

Bên cạnh đó, tại thời điểm kiểm đếm, diện tích sử dụng của các hộ tăng lên rất nhiều (hộ tăng ít nhất là hơn 1.000 m2, hộ tăng lớn nhất là hơn 16.000 m2), trong khi UBND xã Đồng Tâm xác nhận nguồn gốc là đất quốc phòng, không xác định nguyên nhân và thời điểm tăng diện tích đất, thời điểm xây dựng công trình.

Theo cơ quan thanh tra, mặc dù vậy, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Mỹ Đức đã căn cứ vào xác nhận của UBND xã Đồng Tâm, Liên ngành lại căn cứ vào báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức về diện tích và thời điểm sử dụng đất của các hộ dân, đề xuất chính sách để UBND huyện xây dựng phương án Bồi thường, hỗ trợ dự thảo đã tính bồi thường, hỗ trợ đất ở cho 13/14 hộ với diện tích từ 360m2-900m2, với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Việc này là không chặt chẽ, thiếu kiểm tra.

Đến thời điểm thanh tra, UBND huyện Mỹ Đức và các ngành có liên quan đã thống nhất thu hồi Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã lập cho 14 hộ dân trước đây.

‘Thu hồi đất lấn chiếm, xử nghiêm cán bộ vi phạm’

Thanh tra TP Hà Nội xác định tháng 2/2017, có một số công dân tự ý tổ chức đo đạc, phân lô trên phần diện tích đất Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang thực hiện dự án quốc phòng trong diện tích đất sân bay Miếu Môn. Mặc dù, UBND xã Đồng Tâm đã có thông báo nêu rõ đây là đất quốc phòng, đề nghị các công dân không được vi phạm pháp luật, nhưng trong các ngày từ 25 đến 28/2/2017, một số công dân vẫn cố tình đưa máy móc vào để chia đất, xây dựng công trình trái phép. Đây là hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2013, vi phạm trật tự an toàn xã hội – theo kết luận của cơ quan nhà nước.

Từ các kết luận trên, cơ quan Thanh tra Thành phố đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quốc phòng kiểm tra, rà soát, có biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn; thu hồi ngay diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép trong phạm vi đất được giao tại sân bay Miếu Môn và các địa điểm khác…

Thanh tra Thành phố đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức và liên ngành kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót nêu tại phần kết luận.

Đồng thời, phối hợp với Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng không Không quân rà soát nguồn gốc, nguyên nhân và thời điểm tăng diện tích đất, thời điểm xây dựng công trình của các hộ dân để xây dựng lại phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân. Trường hợp phát hiện có vi phạm về đất đai thì xử lý theo quy định pháp luật.

Thanh tra Thành phố cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an TP Hà Nội phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Song song với đó, Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với các đơn vị quốc phòng có biện pháp cương quyết buộc những công dân đang chiếm giữ trái phép đất quốc phòng di chuyển tài sản, hoa màu, trả lại mặt bằng cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để xây dựng công trình quốc phòng.

Theo Báo Vnexpress (25/7/2017), ông Lê Đình Kình vẫn bảo lưu quan điểm rằng đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giới rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân; các thành viên tổ đồng thuận sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, ngày 7/7, sau khi nghe công bố dự thảo kết luận thanh tra, người dân xã Đồng Tâm đã đề nghị phải có cuộc đo đạc lại nghiêm túc, tổng thể khu đất mà người dân kiến nghị.

Cho đến nay, Nhà nước vẫn không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Luật Đất đai hiện hành – Luật Đất đai 2013 khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này“.

Nói cách khác, Nhà nước không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai. Nhà nước là đại diện và thống nhất quản lý việc sử dụng, giao dịch, chuyển đổi và thu hồi quyền sử dụng đất.

Điều này là thống nhất trong tất cả các Luật Đất đai ban hành trước đó (Luật Đất đai 1987, 1993, 2003).

(*) Theo nhìn nhận của nhiều nhà sử học, chế độ sở hữu ruộng đất đã diễn ra theo xu hướng tư hữu hóa tự nhiên và lâu dài, thể hiện rõ rệt từ những năm cuối của thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX.

Vào thời thuộc Pháp (1884-1945), pháp luật về đất đai được quy định một cách chặt chẽ và mang tính hiện đại, gồm 4 loại hình sở hữu được pháp luật bảo hộ:

  • Sở hữu pháp nhân công (gồm sở hữu Nhà nước và sở hữu làng xã),
  • Sở hữu pháp nhân tư (bao gồm sở hữu của các Hội thương mại, các Hội được pháp luật bảo vệ),
  • Sở hữu chung (nhiều người đồng sở hữu một mảnh đất không thể phân chia),
  • Sở hữu tư nhân (quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo vệ gồm quyền chiếm hữu, hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối miễn là không vi phạm các điều khoản cấm).

Từ 1945-1975, cả hai chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thực hiện các cuộc cải cách can thiệp vào quyền sở hữu ruộng đất. Đến trước năm 1975, số địa chủ ở miền Nam chỉ còn chiếm thiểu số với rất ít đất đai; trung nông chiếm tới trên 70% dân số và 80% ruộng đất.

Tại miền Bắc, từ 1958, sau khi xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến, chính quyền thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp. Hiến pháp năm 1958 xác nhận chỉ có 3 hình thức sở hữu đất đai là sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân), sở hữu tập thể (sở hữu hợp tác xã) và sở hữu của người lao động riêng lẻ (sở hữu tư nhân). Sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể được khuyến khích, còn sở hữu tư nhân tiêu giảm dần.

Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.

(*) Theo tư liệu và nghiên cứu của GS.TS. NGND Nguyễn Văn Khánh, Nghiên cứu về quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 29, Số 1 (2013)

Nguyễn Sơn

Xem thêm: