Tòa nhà kiến trúc Pháp cổ 4 mặt tiền gần 100 năm tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội đang bị phá dỡ để xây công trình đa chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum, 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5 m2.

toa nha phap co ha noi 1
Tòa nhà Pháp cổ nằm ở “khu đất kim cương” rộng hơn 9.000 m2, là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef). Nơi đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX. (Ảnh: taichinhvietnam.net.vn)

Báo chí nhà nước cho biết những ngày qua, tòa nhà Pháp cổ (61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) đang bị phá bỏ để xây dựng dự án mới, khiến nhiều người tiếc nuối.

Tòa nhà nằm trên “khu đất kim cương” rộng hơn 9.000 m2, là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef). Nơi đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX.

toa nha co 1
Tòa nhà được quy hoạch với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương – Trần Phú – Lê Trực – Nguyễn Thái Học. (Ảnh: google-maps)

Tòa nhà được quy hoạch với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương – Trần Phú – Lê Trực – Nguyễn Thái Học, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê tông cốt thép rất độc đáo ở giữa.

“Đây là một trong những cấu trúc công nghiệp đẹp và còn nguyên bản nhất ở Hà Nội trong 100 năm qua”, KTS Trương Ngọc Lân, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định.

Thế nhưng, trong những ngày qua, tòa nhà Pháp cổ đang bị phá dỡ để xây công trình mới.

toa nha thoi phap 1
Những ngày qua, công trình nhà máy cũ được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX đang bị dựng giàn giáo xung quanh để phá dỡ. (Ảnh: vtc.vn)

Điều đáng nói, công trình mới được xây dựng lại là công trình đa chức năng thương mại cao 11 tầng nổi, một tầng tum (chiều cao tối đa 42,9 m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5 m2, với tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings và Công ty Cổ phần Him Lam.

Theo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, do giới chức TP ban hành hôm 21/3, có hiệu lực ngày 10/4, nêu quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục, cơ quan phải dành tối thiểu 50% quỹ đất bổ sung các công trình công cộng, các tiện ích đô thị khác còn thiếu (trường học, công viên, cây xanh, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật đô thị).

Chưa kể, Hà Nội còn có nhiều quy định trước đó hạn chế chiều cao của các công trình trong khu vực nội đô lịch sử. Thế nhưng, Hà Nội lại cấp phép cho công trình xây dựng “kềnh càng” hàng chục tầng, với chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn, liệu có hợp lý?

Hơn nữa, với việc đưa tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm vào giữa trung tâm hành chính quận Ba Đình khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có một “8B Lê Trực” thứ hai?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Martin Rama, Giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho hay kiến trúc của tòa nhà mới được phê duyệt chỉ đơn giản là “khủng khiếp”. “Tôi hiểu lý do để xây cao ốc ở khu vực trung tâm, vì đất ở đó cực kỳ giá trị”, ông nói.

Ông nhận định Ba Đình là một trong những khu vực có cảnh quan đô thị đặc sắc nhất của Hà Nội, tòa nhà mới sẽ là sự “bức hại” tới “cá tính” của TP, làm đứt gãy ký ức của cư dân đô thị này.

Theo ông, Hà Nội vẫn có thể xây một tòa nhà cao tầng ở giữa khu đất, nhưng đồng thời giữ những cấu trúc nhà thấp tầng rất Hà Nội ở mặt đường (kể cả bức phù điêu) và hiện đại hóa chúng, biến thành những cửa hàng đẹp và lối vào tòa nhà mới rất hấp dẫn.

Còn theo đại diện UBND quận Ba Đình, đây là dự án của thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch và xin ý kiến Bộ Xây dựng; quận không được biết nên cũng không chỉ đạo phường lấy ý kiến cộng đồng dân cư về cao ốc này.

Minh Long