UBND TP Hà Nội bắt đầu khởi động việc rà soát, nghiên cứu trong kế hoạch triển khai hàng loạt dự án phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và thủy lợi tại TP với tổng vốn đầu tư gần 53.318 tỷ đồng từ năm 2021-2025.

hanoi ngap
Nước ngập lút bánh xe ô tô trên đường Dương Đình Nghệ, gần Keangnam Hanoi Landmark Tower, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tháng 8/2013. (Ảnh: Berry Phan/Shutterstock)

Đầu tháng 7, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của thành phố; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, TP sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch.

UBND TP cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng…; khảo sát và đề xuất phương án thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hóa đầu tư); nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ (bằng nguồn vốn đầu tư công của quận, huyện hoặc các nguồn vốn huy động khác).

Hiện tại, khu vực nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 313,19 km2. Hệ thống thoát nước được chia thành 3 lưu vực gồm: Tô Lịch, sông Nhuệ, Long Biên.

Vào cuối năm 2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Tại Kế hoạch này, Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, nhằm giúp tiêu thoát nước đô thị trong TP.

Trong đó, hơn 41.067 tỷ đồng (gồm 19.958 tỷ đồng vốn ngân sách, 13.709 tỷ đồng vốn ODA, 7.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa) được chi cho 20 dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Cụ thể, TP sẽ tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 là từ 50-55%.

Các khu vực ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước gồm lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như quận Hà Đông, Long Biên…, giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông: Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện theo Đề án lên quận vào năm 2025.

Trên thực tế, sau trận mưa lớn vào các ngày 23/5, chiều tối 29/5, tối 13/6, nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội chìm trong biển nước, có khu vực ngập ngang thân người. Các trận mưa có vũ lượng phổ biến hơn 100mm, một số nơi cao hơn, như tại quận Tây Hồ vũ lượng hơn 160mm, quận Cầu Giấy hơn 180mm.

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng TP có nhiều điểm úng ngập cố hữu do địa hình trũng thấp. Sau khi giảm được 5 điểm thì còn 11 điểm úng ngập chính và một số điểm úng ngập cục bộ tại các ngõ ngách, do hệ thống thoát nước xuống cấp, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

Trên báo Lao Động ngày 24/6, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng tình trạng úng ngập úng sau mưa lớn ở Hà Nội đã “nóng” khoảng gần 10 năm nay. Ông Nghiêm cho rằng để giải quyết vấn đề này không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị.

Với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh như hiện nay, cần có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Trong khi đó, mới chỉ dự án thoát nước ở lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư, chỉ 1 trong 3 dự án thoát nước tại lưu vực Tây Nam đang triển khai nhưng chưa hoàn thành.

Minh Sơn