Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành chỉ thị số 22 về phòng dịch COVID-19, trong đó mở lại nhiều hoạt động dịch vụ.

cua hang ban mang ve ha noi 1
Hà Nội mở lại hàng loạt cơ sở kinh doanh, dịch vụ từ 6h ngày 21/9. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Theo đó, từ 6h sáng 21/9, Hà Nội sẽ thực hiện phòng dịch COVID-19 theo chỉ thị 15.

Hà Nội không áp dụng quy định phân vùng; không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Các hoạt động dịch vụ được mở lại gồm: Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm.

Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng dịch; dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Các dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Xe môtô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ cũng hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng môtô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe môtô, trừ trường hợp phục vụ công tác phòng dịch, công vụ ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

“Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng”, chỉ thị nêu.

TP. Hà Nội cũng yêu cầu dừng hoàn toàn các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Hà Nội vẫn duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra vào TP và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận.

Như vậy, Hà Nội đã trải qua 4 đợt giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong 4 đợt giãn cách, Hà Nội đã 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.

Việc thay đổi liên tục giấy đi đường đã ảnh hưởng rất lớn tới người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Giải thích về việc này, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch TP. Hà Nội nói “biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ”.

Trong đợt dịch thứ tư (27/4 đến 6h ngày 20/9), Hà Nội ghi nhận 4.187 ca mắc, trong đó có 1.311 ca cộng đồng.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, trưa 20/9, Hà Nội đã tiêm hơn 6,4 triệu liều vắc-xin, trong đó hơn 5,7 triệu mũi một và gần 700.000 mũi hai.

Minh Long

Xem thêm:

Hà Nội bỏ giấy đi đường, bỏ phân vùng từ ngày 21/9