Ngày 7/9, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm vụ án Giết ngườiChống người thi hành công vụ xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020, tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). 

xet xu vu dong tam image
Công an giao thông, công an mặc thường phục và dân phòng tại một điểm chốt đầu đường Phạm Văn Bạch, tại ngã tư Dương Đình Nghệ – Trung Kính, chiều 6/9/2020, một ngày trước khi diễn ra phiên sơ thẩm vụ Đồng Tâm. (Ảnh: FB)

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 7 – 17/9 (10 ngày). Hội đồng xét xử gồm 5 người, Phó chánh toà hình sự TAND Hà Nội Trương Việt Toàn làm chủ toạ. Ông Toàn là người từng xét xử các vụ án liên quan bị cáo là cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son…

Trong 29 bị cáo, 25 người bị truy tố tội Giết người với khung hình phạt từ 12 năm tù đến án tử hình. 4 người cáo buộc phạm tội Chống người thi hành công vụ, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Có 33 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, gồm các luật sư do bị cáo, gia đình bị cáo mời và các luật sư do tòa án chỉ định bào chữa.

Vụ án được thông báo xử công khai. Tuy nhiên, hôm qua, chủ nhật ngày 6/9, nhiều chốt giữ đã được lập tại các ngã 3, ngã 4 quanh trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội (Ngõ 1 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) với lực lượng gồm công an giao thông, công an trật tự, cảnh sát cơ động, PCCC, dân phòng, an ninh mặc thường phục.

xet xu vu dong tam 1 image
Công an giao thông, công an trật tự, cảnh sát cơ động, dân phòng giăng dây, chốt giữ gần trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội, chiều 6/9/2020. Phía đối diện cũng có một nhóm gác giữ, thêm lực lượng PCCC. (Ảnh: FB)

Theo Vnexpress, từ sáng sớm 7/9, hàng trăm cảnh sát lập nhiều chốt bảo vệ quanh trụ sở tòa án, trong bán kính khoảng 2 km. Người có giấy của tòa án mới được đi vào trong. Lực lượng an ninh, kiểm soát quân sự tuần tra liên tục.

Các hàng quán quanh cổng tòa bị yêu cầu ngừng kinh doanh trong 10 ngày diễn ra phiên tòa. Các khu vực có chốt bảo vệ đặt biển cấm quay phim, chụp hình.

Tờ Thanh Niên dẫn thông tin tương tự, cho biết từ khoảng 6h30 sáng 7/9, hàng trăm công an thuộc nhiều lực lượng lập rào cứng tại các ngả đường vào trụ sở tòa án (các tuyến đường Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Bạch…). 10 công an luôn túc trực để hạn chế tối đa người vào khu vực tòa. Các hàng quán lân cận trụ sở tòa án buộc phải đóng cửa.

Các cáo buộc Giết người, Chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm

Phía Viện KSND Hà Nội đưa ra cáo trạng rằng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình cùng con trai Lê Đình Công và ông Bùi Viết Hiểu thành lập “Tổ Đồng thuận” để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện nhằm chiếm đoạt đất quốc phòng ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm.

Tháng 11/2019, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng xây dựng tường rào ở khu vực đất tranh chấp, đề nghị Công an Hà Nội hỗ trợ bảo vệ.

“Biết tin công an triển khai nhiệm vụ, tháng 12/2019, ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên “Tổ Đồng thuận” mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để “tấn công, tiêu diệt”, VKSND Hà Nội cáo buộc.

Sau cuộc vây ráp của công an, cảnh sát cơ động, lực lượng PCCC của thành phố vào rạng sáng ngày 9/1/2020 (tức 15 tháng Chạp – chú thích), 4 người tử vong, gồm ông Lê Đình Kình (84 tuổi), 3 công an: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (48 tuổi), Đại úy Phạm Công Huy (27 tuổi), Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (28 tuổi) (thăng cấp bậc hàm vượt cấp sau khi tử vong – chú thích).

Ngoài ra, luật sư cho biết ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) bị bắn vào chân và ngực nhưng đạn sượt, không trúng tim nên thoát chết; ông Lê Đình Chức bị thương, bị vạt một nửa hộp sọ bên phải.

Cơ quan tố tụng Hà Nội cho rằng ông Kình là chủ mưu trong cuộc phản kháng, nhưng đã chết nên không bị truy cứu. 29 người, trong đó có ông Hiểu còn sống, bị truy cứu vì tội Giết người và Chống người thi hành công vụ.

29 bị can cùng trú tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), độ tuổi từ 20 – 77.

Cơ quan điều tra chia các bị can thành 3 nhóm: “Nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội”: Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi) và Lê Đình Chức (40 tuổi).

“Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội”: Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Bùi Văn Tiến (41 tuổi), Lê Đình Quân (44 tuổi), Trịnh Văn Hải (32 tuổi), Bùi Thị Nối (62 tuổi), Nguyễn Văn Quân (40 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi) và Bùi Văn Tuấn (29 tuổi).

“Nhóm giúp sức”: Bùi Thị Đục (63 tuổi), Nguyễn Thị Bét (59 tuổi), Nguyễn Thị Lụa (64 tuổi), Trần Thị La (42 tuổi), Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), Bùi Văn Niên (40 tuổi), Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi), Mai Thị Phần (57 tuổi), Đào Thị Kim (37 tuổi), Lê Thị Loan (54 tuổi) và Nguyễn Văn Trung (32 tuổi).

Nhóm luật sư gửi đơn kiến nghị trả lại hồ sơ, điều tra lại ngay trước phiên sơ thẩm

Ngày 3/9, 13 luật sư bào chữa cho 21/29 bị can trong vụ Đồng Tâm gửi đơn kiến nghị tập thể phản ánh nhiều điểm chưa rõ ràng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như việc cản trở luật sư tiếp cận hồ sơ vụ án, tiếp xúc riêng với thân chủ; thông tin không rõ ràng về việc giải quyết tranh chấp đất đai; chi tiết trong cáo trạng cho thấy kế hoạch “tấn công” vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020 không phải sự kiện ngẫu nhiên; việc quy chụp tội danh cho người đã chết; việc mổ tử thi không đúng quy định của pháp luật; vết thương của bị can Bùi Viết Hiểu; hiện trường tử vong của 3 công an.

Các luật sư thống nhất rằng: “Hồ sơ vụ án còn có quá nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ và không thể khắc phục được ngay trong phiên toà sắp tới, nên đề nghị TAND TP Hà Nội trả hồ sơ lại cho Cơ quan điều tra để cơ quan này điều tra làm rõ những nội dung mà chúng tôi nêu ở trên đây, đặc biệt là việc cần phải dựng lại hiện trường tổng thể của vụ án, có sự tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng, các bị can và luật sư của họ, có đại diện gia đình bị can và bị hại (nếu cần)… để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

Ngoài ra, để đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, triệt để, các luật sư đề nghị tòa cần triệu tập thêm: Bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình (Nhân chứng, đại diện bị hại); Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị can Lê Đình Uy (Người có quyền và nghĩa vụ liên quan); Những chiến sỹ cảnh sát bị thương trong khi thi hành công vụ (bị hại); Chiến sỹ cảnh sát đã bắn chết cụ Kình, làm bị thương bị can Bùi Viết Hiểu; Giám định viên; Các điều tra viên; Những người khác theo danh sách đề nghị triệu tập của Luật sư Lê Văn Hoà.

Đồng thời, để đảm bảo đúng nguyên tắc của một phiên toà dân chủ, công khai, các luật sư đề nghị HĐXX sơ thẩm đảm bảo quyền tự do tác nghiệp, đưa tin của báo chí, quyền tham dự phiên toà của thân nhân các bị hại, bị can và những người dân quan tâm.

Sơ lược diễn biến sự việc Đồng Tâm

Năm 1980, ông Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 113/TTG thu hồi 208 ha đất giao cho Bộ quốc phòng làm sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36 hecta đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.

Tháng 10/2014, Bộ quốc phòng giao Quân chủng phòng không – không quân sử dụng diện tích đất trên làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 và đồng thời trực tiếp quản lý.

Ngày 27/3/2015, Bộ quốc phòng ra quyết định 555/QĐTM thu hồi từ Quân chủng phòng không – không quân 50,03 ha đất giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) làm dự án.

Người dân xã Đồng Tâm phản đối, cho rằng phần diện tích này thuộc đất nông nghiệp của người dân, phản đối liên tiếp từ năm 2015-2017. Sự việc bị đẩy lên cao vào ngày 15/4/2017, khi 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị nhóm người tại Đồng Tâm vây bắt, giữ trong nhà văn hóa thôn trong 7 ngày. Vụ việc gây rung động dư luận, truyền thông trong nước và quốc tế cùng đưa tin. Toàn bộ nhóm người được thả, sức khỏe bình thường vào ngày 22/4/2017, sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội về gặp và ký cam kết viết tay hứa giải quyết vụ việc tranh chấp đất với người dân xã Đồng Tâm.

Các cuộc thanh tra đất đai tại khu vực đất tranh chấp diễn ra sau đó. Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội (2017)Thanh tra Chính phủ (2019) cùng kết luận “không có đất nông nghiệp tại xứ đồng Sênh”. Thanh tra Chính phủ khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Tháng 6/2017, Công an TP. Hà Nội cũng khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc bắt giữ 38 người hồi tháng 4/2017, trái với cam kết đưa ra trước đó với người dân.

Từ năm 2017-2019, ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm nhiều đời, không phải đất quốc phòng. Mảnh này tiếp giáp với mảnh 47,36 ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.

Xuân Tường

Xem thêm: