Một phụ nữ 56 tuổi (Hà Nội) đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa được con mua trên mạng.

ha noi mot phu nu phai cap cuu vi an phai bong ngo tam can sa
Mẫu bỏng ngô mà bệnh nhân ăn phải do gia đình cung cấp. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Ngày 5/11, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên, được chẩn đoán bị ngộ độc sau khi ăn bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.

Người nhà bệnh nhân cho biết khoảng 16h30 ngày 29/11, chị Phạm Thị Ch. (SN 1966, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) có ăn 2 miếng bỏng ngô do con chị đặt mua trên mạng. Sau khi ăn khoảng 1 tiếng, chị Ch. bị hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân, kết quả phát hiện chất THC (chất chính có trong cần sa). Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Ch. bị ngộ độc cần sa. Bệnh nhân được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên sức khỏe đã ổn định, qua cơn nguy kịch.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, hiện nay có rất nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.

Trước đây, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Trường hợp của bệnh nhân Ch. bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô là lần đầu tiên được phát hiện.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, trong quá trình xét nghiệm cũng dễ dàng phát hiện. Nhưng hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được thay đổi và tạo mới hằng ngày (gọi là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện và nhà nước chưa kịp đưa vào danh sách cấm thì đã liên tục có chất mới xuất hiện thêm, việc này gây khó khăn trong công tác kiểm tra và phát hiện.

Hiện nay, ngoài một vài phòng xét nghiệm thuộc hệ thống pháp y, khoa học hình sự, tất cả các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện và tất cả các đơn vị cơ động kiểm tra ma túy nhanh trên cả nước đều không thể xét nghiệm phát hiện các ma túy mới này. Do đó, tất cả các ma túy này dễ dàng đi qua cửa khẩu hải quan một cách công khai.

Mấy tháng trước, rạng sáng ngày 26/7, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và cấp cứu một nữ sinh viên 20 tuổi (Hà Nội) được đưa đến trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp xuống thấp, tổn thương đa cơ quan rất nặng (suy tim, suy thận, thiếu máu tất cả các vị trí vùng đồi trên, thấp của não, phù não)…

Bệnh nhân được đánh giá những biểu hiện tổn thương gần giống như bị đột qụy não nhưng nặng hơn rất nhiều. Khác với đột qụy não chỉ gây tổn thương nhỏ ở một số vị trí, còn ở trường hợp trên thì tổn thương gần như toàn bộ não.

Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm mẫu dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút cùng nhóm bạn vào tối 25/7, tìm thấy chất ADB-ButiNACA, một chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Thạch Lam