Theo đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên hồ Tây (Hà Nội) dự kiến có khán phòng Opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 – 2.000 chỗ ngồi).

nha hat quan tay ho
Phối cảnh nhà hát Opera tại quận Tây Hồ. (Ảnh: tayho.hanoi.gov.vn)

UBND quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án “Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An”, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An.

Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên.

Đồ án thuộc ô quy hoạch 16, 17, 19 nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Quy hoạch nhằm phát triển khu vực này trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa của Thủ đô.

Điểm nhấn của đồ án này là công trình văn hóa nghệ thuật nhà hát Opera.

Theo đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên hồ Tây dự kiến có khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 – 2.000 chỗ ngồi).

Ngoài chức năng chính là không gian trình diễn nghệ thuật như nhạc giao hưởng, hợp xướng, hát opera, diễn kịch, nơi đây còn tổ chức những sự kiện văn hóa chính trị lớn, vừa là điểm nhấn của cả khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung.

Theo giới chức thành phố, công trình do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế, “sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới của thủ đô, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật, tinh thần của người dân”.

Dự kiến trong tuần này, quận tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, sau đó UBND phường nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân.

Về phương án tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, khu đất được xác định hướng tiếp cận chính từ tuyến đường Đặng Thai Mai nối với đường Âu Cơ.

Tổ hợp kiến trúc, cảnh quan không gian công viên được thiết kế trên cơ sở chủ đề (công viên văn hóa nghệ thuật, du lịch) dự kiến bố trí các khu chức năng: Công viên văn hóa cổ truyền; Triển lãm trưng bày nghệ thuật; Công viên gốm sứ truyền thống; Quảng trường cảnh quan và tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoài trời; các nhà dịch vụ phục vụ khách tham quan; nhà thuyền…

Trước đó, hồi năm 2020, chính quyền TP.HCM có kế hoạch khởi động lại dự án xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng, khiến nhiều chuyên gia và người dân có ý kiến trái chiều.

Điều đáng nói, thời điểm trên, dự án khởi động trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán, với hàng vạn công ty đóng cửa, khiến gần 8 triệu công nhân mất việc. Kinh tế TP.HCM được cho là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Hơn nữa, chính quyền TP.HCM thời điểm đó vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù cho “dân oan bị mất đất” tại Thủ Thiêm.

Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời kiến trúc sư TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, lấy 1.500 tỷ đồng từ ngân sách để làm nhà hát là số tiền không phải ít, trong khi thành phố đang khó khăn. “Nhiều dự án dân sinh cấp thiết hàng đầu như xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, các dự án chống ngập đang thiếu vốn trầm trọng, chưa kể y tế, giáo dục,… nhiều nơi còn thiếu, chưa đạt chuẩn”, vị kiến trúc sư nói.

Thế nhưng, đến năm 2021, dự án lại được đề xuất tăng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, tức tổng vốn tăng lên thành gần 2.000 tỷ đồng. Dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.

Công trình có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ, diện tích sử dụng hơn 20.000m2.

Minh Long