Sau phiên xét xử sơ thẩm, chủ quán photocopy kháng cáo rằng không biết, không hưởng lợi trong vụ án đường dây làm giấy khám sức khỏe giả mạo. Phiên xét xử phúc thẩm mở để xem xét đơn kháng cáo nhưng tạm hoãn ngay trong ngày do vắng mặt đại diện viện kiểm sát.

giay kham suc khoe gia 0
Một quảng cáo nhận làm giấy khám sức khỏe, giấy nằm viện, ra viện đăng công khai trên mạng Facebook. (Ảnh chụp màn hình/Facebook)

Ngày 8/10, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm  vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” liên quan việc làm giả hàng trăm giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa Thăng Long (Hà Nội).

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/10/2021, bị cáo Nguyễn Kim Phượng (SN 1982, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo điểm a, khoản 3, Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng tội danh, bị cáo Vũ Thị Chiến (tức Xuyến, SN 1972, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) – có vai trò chủ mưu – bị tuyên 6 năm tù; 6 đồng phạm bị phạt từ 20 tháng tù treo đến 3 năm tù giam.

Sau phiên xét xử, bà Phượng cho rằng mình chỉ kinh doanh photocopy, không nhận thức được về việc làm giả giấy tờ nên đã kháng cáo.

Theo bản án, năm 2019, bà Chiến biết nhiều người cần giấy khám sức khỏe để học, thi giấy phép lái xe nên đã lên mạng đặt mua con dấu tròn và dấu chức danh của bác sĩ, bệnh viện, phòng khám tại Hà Nội để làm giả giấy khám sức khỏe rồi bán lấy tiền.

Sau khi có khách, bà Chiến yêu cầu khách cung cấp ảnh, bản chụp giấy chứng minh nhân dân rồi đến quán photocopy của bà Phượng để in ảnh, in mẫu giấy khám sức khỏe, đánh máy thông tin, in các phiếu xét nghiệm. Sau đó, bà Chiến tự ký đóng dấu vào giấy khám sức khỏe giả, rồi thuê ông Trần Đông Bình (SN 1961, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) giao các giấy tờ giả trên cho khách.

Mỗi giấy khám sức khỏe giả được bà Chiến bán với giá 30.000 – 80.000 đồng.

Từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2020, bà Chiến bị cáo buộc đã làm giả 1 con dấu, 332 giấy khám sức khỏe và 168 phiếu xét nghiệm, hưởng lợi 7,5 triệu đồng. Bà Chiến đã nộp 20 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Với 168 phiếu xét nghiệm giả nói trên, bà Phượng nhận đánh máy và in với giá 300 – 700 đồng/tờ, tổng 50.400 đồng.

Luật sư của bà Phượng cho rằng các giấy tờ bà Chiến nhờ bà Phượng in và đánh máy không có dấu đỏ. Bà Phượng không nhận thức được việc đánh máy thông tin cá nhân của người khác vào mẫu giấy khám sức khỏe không có dấu đỏ là phạm pháp. Tiền công bà Phượng nhận từ việc này là 300-700 đồng/tờ, bằng đơn giá in ấn thông thường nên không thể đánh giá 50.400 đồng là hưởng lợi từ sai phạm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Chiến khai nhận không trao đổi gì với bà Phượng về mục đích sử dụng những giấy tờ này.

Thời gian mở lại phiên phúc thẩm chưa được công bố.

Khánh Vy