Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường để tăng lượng hành khách đi phương tiện công cộng.

tuyến đường ưu tiên cho xe buýt
Giao thông trên tuyến đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Shutterstock)

Theo kế hoạch thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới ban hành, mục tiêu là đưa tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng lên 20-25% (trong đó, đường sắt đô thị từ 1-3%).

Các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: trục Nguyễn Trãi – Trần Phú, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5 km; tuyến Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt 4,7 km; tuyến Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự 5,9 km; tuyến Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm 9,6 km.

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới xe buýt tới ngoại thành, trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí…). Dự kiến đến năm 2020 mở mới khoảng 46-51 tuyến buýt, trong đó, năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở 25-30 tuyến. Ngoài ra, phát triển thêm các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân từ các tỉnh lân cận vào Thành phố.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) dự kiến trong năm 2019; tháng 4/2021, thí điểm khai thác đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Nhiều giải pháp khác sẽ được thành phố đưa ra nghiên cứu, như thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới cấm hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Năm 2008, làn đường đầu tiên dành cho xe buýt ở Hà Nội được khai trương trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng). Năm 2015, với lý do để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, làn đường dành riêng cho xe buýt này đã bị xoá bỏ.

Hà Nội hiện chỉ có một tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên – Nghi Tàm – Yên Phụ. Tuyến đường dài 1,3 km, đưa vào sử dụng năm 2014.

Cuối năm 2016, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa chính thức đi vào hoạt động với quãng đường khoảng 14,7 km, với làn đường ưu tiên. Nhưng sau hơn một năm, dự án có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD này không cho thấy hiệu quả. Hà Nội dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT số 02 Kim Mã- Hòa Lạc trước đó đã dự định, sau đó được thay thế bằng tuyến xe buýt thường.

Nguyễn Quân

Xem thêm: