Hai thành phố dự kiến được xây dựng gồm Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai).

san bay noi bai 2
Thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này. (Ảnh: noibaiairport.vn)

Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói tại buổi bế mạc hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, ngày 23/11.

Theo ông Dũng, thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Thành phố ở phía Tây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Ông Dũng cho hay nền móng của thành phố này đã có sẵn như Khu công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia. Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về TP. Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.

Ông Dũng cũng cho biết thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công. Vì thế, TP. Hà Nội đã chọn huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận trước các huyện còn lại.

“Lãnh đạo thành phố đang cùng các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cấp thẩm quyền, cố gắng năm 2023 hai huyện sẽ lên quận”, ông Dũng nói.

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Theo đó, 12 quận của TP. Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân.

Trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) có 2 thành phố trực thuộc là thành phố Hà Đông và Sơn Tây. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, 2 thành phố này thành thị xã, hiện Hà Đông đã lên quận.

Minh Long