UBND TP. Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở GTVT tạm dừng các hoạt động của bến thủy nội địa hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện hoạt động.

ben-thuy-noi-dia-ho-tay
Các hoạt động của du thuyền, nhà nổi Hồ Tây từ nhiều năm nay đã được đánh giá là không đảm bảo điều kiện kinh doanh, vệ sinh môi trường và đã nhiều lần bị xử phạt. (Ảnh: thanglong.chinhphu.vn)

Nội dung kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội liên quan đến vị trí kinh doanh của Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây.

Theo đó, thành phố cho tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan ở khu vực hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện về hoạt động, phương tiện thủy nội địa để phối hợp với công tác kiểm tra, xử lý môi trường nước hồ Tây.

Theo thống kê của quận Tây Hồ, hiện có 13 cơ sở đang kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây.

Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước, gồm: 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao, 13 xuống máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).

Trước đó, trong 3 ngày 1, 2 và 3/10, cá tại hồ Tây xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, nổi trắng dày đặc trên mặt nước, nhiều con có khối lượng từ 4 – 5 kg. Tính đến chiều ngày 3/10, lực lượng chức năng đã vớt được khoảng 200 tấn cá chết tại đây. Kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy tất cả mặt nước trên diện rộng tại hồ có mức oxy bằng 0; tỷ lệ amoni tăng 20 mg/l, cao gấp 24 lần so với quy định.

Theo điều tra của UBND quận Tây Hồ, ở thời điểm trước khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, mỗi ngày hồ Tây tiếp nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Được biết, hồ Tây hiện có tổng cộng khoảng 30 cống xả nước thải trực tiếp vào hồ, trong đó, riêng cống xả thải lớn nhất là cống Tàu Bay (đường Nguyễn Đình Thi) đã xả xuống hồ hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày.

Hải Linh

Xem thêm: