Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, Hà Nội phải tính toán trong quá trình thiết kế đô thị một cách thông minh, tạo ra hệ thống thoát nước, xây bể ngầm chứa nước để tránh ngập lụt sau những trận mưa lớn.

ha noi ngap 1
Hà Nội ghi nhận lượng mưa là 138 mm, vượt mốc từng lịch sử 132,5 mm vào ngày 18/6/1986. (Ảnh: hanoitv.vn)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ 14h đến 16h ngày 29/5, trạm đo tại Láng (Hà Nội) ghi nhận lượng mưa là 138 mm, vượt mốc từng lịch sử 132,5 mm vào ngày 18/6/1986.

Mưa lớn trong hơn hai tiếng đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50cm, giao thông tê liệt. Phải sau 4-6 tiếng khi dứt mưa lớn, nước mới tiêu thoát hết.

tran hong ha
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (Ảnh: quochoi.vn)

Hôm 30/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng có hai nguyên nhân khiến Hà Nội thường xuyên bị ngập thời gian gần đây, là do thời tiết dị thường, mưa lớn cực đoan và hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn.

Theo ông Hà, để ứng phó trước mắt, thành phố có thể dùng hệ thống máy bơm để thoát nước, nhưng về lâu dài cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, như xây các bể ngầm chứa nước lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập. Thành phố cũng có thể tận dụng các nơi rộng lớn như cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước.

Các cơ quan chức năng cũng cần dự báo lượng mưa trong một đơn vị thời gian để tính toán lượng nước trên một m2 nhất định, từ đó tính toán công suất hệ thống thoát nước. Các đô thị cần có hệ thống dự báo ngập lụt chính xác. “Hiện nay cơ quan khí tượng đã thực hiện việc này, nhưng không dễ và độ chính xác còn khác nhau”, ông Hà nói.

ha noi ngap 1 1
Mưa lớn trong hơn hai tiếng đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50cm. (Ảnh: hanoitv.vn)

Liên quan đến vấn đề trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội được để lại từ thời Pháp, quá nhỏ bé, không còn phù hợp với sự phát triển Thủ đô như ngày nay.

Theo GS Hồng, hiện nay cường độ mưa đã vượt thiết kế như công ty cấp thoát nước Hà Nội nêu ra.

Cụ thể, khả năng tiêu nước là 50-100mm/2h, nhưng trong thực tế lượng mưa lớn nhất tới 135mm/h (Cầu Giấy), còn thấp nhất cũng 70,5mm/h(Tây Hồ) nên các trục thoát nước đều bị quá tải, dẫn đến ngập úng.

“Trong nguyên tắc thoát nước mưa, còn nhiều biện pháp hỗ trợ nhau. Nước mưa được giữ lại trên các đồng cỏ hay rừng cây trồng, có thể tới 36% tổng lượng mưa trong mùa. Nước mưa thấm vào đất, nếu là cát tốc độ thấm có thể 25mm/h, nước mưa được chứa lại ở những chỗ trũng như ao, hồ, sông suối”, GS Vũ Trọng Hồng nói và chỉ ra nguyên nhân chính gây ngập ở Hà Nội hiện nay là do những giải pháp nêu trên đối với Hà Nội bây giờ không còn tác dụng nữa. Tất cả mặt đất được phủ bê tông, các ao hồ ngày một giảm đi nhường chỗ cho các khu đô thị mới mọc lên.

ha noi ngap 2
Hà Nội có khả năng tiêu nước là 50-100mm/2h, nhưng trong thực tế lượng mưa lớn nhất tới 135mm/h (Cầu Giấy), còn thấp nhất cũng 70,5mm/h(Tây Hồ) nên các trục thoát nước đều bị quá tải, dẫn đến ngập úng. (Ảnh: hanoitvn.vn)

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, “trận mưa hôm qua vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước trong nội đô”.

Theo thiết kế, hệ thống đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi đó, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lên tới 180 mm chỉ trong vòng 2 giờ. Mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn vượt gấp đôi năng lực thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố.

Theo thống kê, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.

Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.

Một số trạm bơm tiêu chính như Liên Mạc, Yên Nghĩa hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn, kênh xả chưa đồng bộ. Còn trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được cải tạo, nạo vét ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong hệ thống.

Hiện Hà Nội còn 6 điểm không giảm úng ngập là ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Phùng Hưng, đường Cao Bá Quát, đường Nguyễn Khuyến, đường Trường Chinh và đại lộ Thăng Long.

Hoàng Minh