Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên mức án tử hình đối với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.

phien toa dong tam
Bị cáo Lê Đình Doanh (đứng) (cháu của ông Lê Đình Kình, con trai của ông Lê Đình Công) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm. (Ảnh: FB Luật sư Nguyễn Văn Quynh)

Sáng 9/9, đưa ra bản luận tội với 29 bị cáo trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, VKSND Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên mức án tử hình đối với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội Giết người.

Cùng tội danh này, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên bị cáo Lê Đình Doanh mức án chung thân, các bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức 16-18 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển mức 14-16 năm tù.

Đáng chú ý, 19 người được cơ quan công tố đề nghị chuyển tội danh từ Giết người sang tội Chống người thi hành công vụ, nâng tổng số người bị cáo buộc tội này lên 23 người. Nhóm bị cáo này bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.

Phiên xét xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm với cáo buộc Giết người và Chống người thi hành công vụ do TAND TP Hà Nội mở từ ngày 7/9, dự kiến diễn ra trong 10 ngày, đến ngày 17/9.

Theo biên bản phiên tòa do luật sư cập nhật, trong phần xét hỏi bị cáo hai ngày qua, chủ tọa đặt câu hỏi chất vấn xoay quanh vai trò và hành động của các bị cáo đối với lực lượng an ninh trong sự việc xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020, tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Tính chất, mục đích và tính hợp pháp của cuộc vây ráp số lượng lớn lực lượng an ninh nhiều thành phần của TP Hà Nội vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1/2020 không được tòa đề cập.

vu an dong tam
LS Ngô Anh Tuấn đang tiếp cận, khảo sát đáy hố “giếng trời” hay còn gọi là “hố kỹ thuật” nằm liền kề nhà ông Lê Đình Kình, nơi được các cơ quan tố tụng TP Hà Nội xác định có 3 công an thiệt mạng do bị đốt xăng. (Ảnh: LS cung cấp)

Luật sư Luân Lê cho biết trong phiên tòa ngày 8/9, một luật sư đề nghị được hỏi đại diện Công an TP Hà Nội – trong quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được triệu tập với tư cách người tham gia tố tụng khác.

Theo ý kiến của nhóm luật sư bào chữa, đại diện Công an TP Hà Nội là chủ thể quan trọng liên can trực tiếp tới và là xuất phát của Kế hoạch số 419a về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho việc xây dựng tường rào Miếu Môn. Bản kế hoạch này là điểm khởi đầu cho vụ việc tại Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020.

Tuy nhiên, đề nghị của luật sư không được chủ tọa chấp nhận, cho rằng Công an TP Hà Nội không tham gia tố tụng vì không liên quan nên đề nghị luật sư không hỏi.

Sau phần luận tội của viện kiểm sát sẽ tới phần luật sư trình bày luận cứ bào chữa.

Xuân Tường

Xem thêm: