Tại Thông báo số 321/TB-UBND ban hành ngày 3/8, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng công bố giới chức TP thống nhất “tiếp nhận vắc-xin Sinopharm để tiêm cho Nhân dân thành phố” (theo thứ tự nhóm “ưu tiên”).

hai phong tiem vac
Một người đang nhận mũi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong đợt 5 tại Hải Phòng (không rõ loại vắc-xin), ngày 21/7/2021. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại thành phố, các bên liên quan nhận định “nguy cơ dịch bùng phát tại Hải Phòng ngày càng cao, vì vậy thành phố cần có các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn.”

Các biện pháp được công bố bao gồm tiếp tục kiểm soát người và xe ra vào thành phố. Các lái xe, phụ xe container, vận tải hàng hóa về thành phố phải ăn, nghỉ tập trung, do các doanh nghiệp tự sắp xếp.

Trường hợp các doanh nghiệp không tự sắp xếp được thì phải kết hợp cùng Sở Du lịch đưa lái xe, phụ xe vào ăn nghỉ tập trung tại khách sạn (doanh nghiệp trả phí). Lái xe, phụ xe về khu dân cư sẽ bị đưa ngay đi cách ly tập trung và tự chi trả kinh phí cách ly.

Hải Phòng sẽ lập thêm các Chốt kiểm soát tại các bến tàu, bến cảng, bãi xe, chợ đầu mối lớn; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân “cung cấp thông tin, tố giác các hành vi vi phạm” (ngày 1/8, giới chức huyện An Dương đưa ra số đường dây nóng, công bố thưởng 1 triệu đồng/lần cho người tố giác người vi phạm việc phòng dịch COVID-19).

Đáng chú ý, điểm 3 của thông báo 321 nêu: “Thống nhất chủ trương tiếp nhận vắc xin Sinopharm để tiêm cho Nhân dân thành phố theo thứ tự ưu tiên: 1. Nhóm lái xe, phụ xe đường dài; 2. Nhóm công nhân đang làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc, 3. Nhóm công nhân tại các doanh nghiệp trong Khu, cụm công nghiệp; 4. Nhóm người dân xung phong được tiêm”.

Các danh sách tiêm sẽ gửi lên Sở Y tế, trong đó nhóm 1 do Sở GTVT “tuyên truyền, vận động và tổng hợp”; nhóm 2 và 3 do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương tổng hợp; nhóm 4 do UBND các quận, huyện tổng hợp.

Bản thông báo cũng giao việc cho các cơ quan chuyên môn và cơ quan truyền thông tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc-xin và các hình thức xử phạt vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Điểm 6 của thông báo nêu: “Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Chuyên đề An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố và các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố tuyên truyền về chủ trương tiêm vắc-xin của thành phố, về các lợi ích của tiêm vắc-xin và các hình thức xử phạt vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. 

Sở Y tế được yêu cầu cung cấp các thông tin tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc-xin; Sở Tư pháp sẽ cung cấp thông tin các hình thức xử phạt vi phạm quy định phòng, chống dịch để các cơ quan nói trên đưa ra.

Theo đó, Hải Phòng là thành phố thuộc trung ương đầu tiên công bố sẽ tiếp nhận vắc-xin Sinopharm để tiêm số lượng lớn trong cộng đồng người dân. TP này không nằm trong danh sách 9 tỉnh nhận phân bổ lô 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc tặng, Bộ Y tế phân bổ hồi tháng 6 vừa qua.

Trong nhóm 9 tỉnh trên, hiện tỉnh Quảng Ninh liên tiếp công bố các đợt tiêm vắc-xin Sinopharm trên diện rộng, bắt đầu từ TP Móng Cái với gần 31 ngàn liều, tiêm cho công nhân trong Khu công nghiệp có doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư (Khu công nghiệp Hải Yên); người dân sống tại 8 xã phường biên giới; du học sinh, cán bộ, viên chức sang Trung Quốc học, làm việc; doanh nghiệp du lịch đón khách Trung Quốc…; tới TP Hạ Long với 6.000 người, gồm các tiểu thương, cửu vạn, xe ôm, tài xế taxi…

Gần đây nhất, trong tháng 7, Quảng Ninh đã nhận 5.850 liều vắc-xin Pfizer và 42.000 liều vắc-xin Moderna do Bộ Y tế phân bổ; Hải Phòng nhận lần lượt 5.850 liều và 40.320 liều hai loại vắc-xin trên.

Hiện tại, Hải Phòng đang tiến hành đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 5, bắt đầu từ ngày 21/7, sử dụng 5.850 liều vắc-xin Comirnaty (thường gọi là vắc-xin Pfizer), 40.320 liều vắc-xin Spikevax (thường gọi là vắc-xin Moderna) để tiêm đủ 2 mũi và 15.000 liều vắc-xin AstraZeneca để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin này.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng, tính đến hết ngày 3/8, tổng liều tiêm vắc-xin COVID-19 đã tiêm trong đợt 5 là 27.895 mũi (25.085 người tiêm mũi 1; 2.810 người tiêm mũi 2).

Hiện tại, lô vắc-xin Sinopharm đầu tiên tại Việt Nam được nhập về là theo đơn hàng 5 triệu liều do Công ty Dược Sài Gòn đặt mua theo ủy quyền của UBND TP.HCM. Ngày 31/7, 1 triệu liều đã được chuyển đến TP.HCM; 4 triệu liều còn lại dự kiến sẽ được chuyển đến trong tháng 8 này.

Ba ngày sau, sáng 3/8, giới chức TP thông báo “chưa tiêm trong đợt này” (đợt 6), đang được Bộ Y tế thẩm định và sẽ tiêm cho người tự nguyện, khi công luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về lô vắc-xin nói trên xoay quanh hoài nghi về chất lượng vắc-xin, quyền lựa chọn (tiêm/không tiêm).

Theo văn bản ngày 30/7/2021 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 triệu liều vắc-xin nói trên do Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho TP.HCM. Trước đó một tháng, trong báo cáo hồi cuối tháng 6 do Sở Y tế TP.HCM gửi UBND TP, sở này cho hay Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã ủng hộ gói 1.500 tỷ đồng để mua vắc-xin, giải ngân theo từng đơn hàng; trong đó đơn hàng đầu tiên nhập khẩu 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm qua Công ty Dược Sài Gòn.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Ai công nhận vắc-xin Sinopharm? Chiến tranh sinh học đang được chú ý