Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, tình hình hạn mặn trong mùa khô 2020 đã bằng và hơn hạn mặn lịch sử 2016. Dự báo nguy cơ hạn mặn còn có thể tiếp tục cao thêm ở nửa
đầu tháng 3. 

hạn mặn
Kênh, rạch cạn khô nước ở Thủ Thừa. (Ảnh: baolongan.vn)

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mekong).

Trong mùa khô năm 2020, tính đến ngày 13/2, mực nước nhánh vào Biển Hồ ở cao trình 1,3m, dung tích còn khoảng 1,8 tỷ m3. Lượng dung tích này thấp hơn 5,27 tỷ m3 so với năm 2018 và thấp hơn 4,99 tỷ m3 so với dung tích trung bình năm. Mặc dù vậy, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lưu vực Biển Hồ còn đóng góp lượng điều tiết hàng ngày đáng kể xuống hạ lưu.

Trong khi đó, mực nước trên dòng chính sông Mekong ngày 13/2 tại các trạm chính Chiang Saen, Kratie cao hơn so với mực nước trung bình năm lần lượt 0,32m, 0,07m; tại trạm Prekdam thấp hơn 0,46m so với mực nước trung bình năm.

So với mực nước năm 2018, mực nước tại cả ba trạm đều thấp hơn lần lượt 0,54m; 0,96m; 0,02m.

Tại ĐBSCL, do ảnh hưởng bởi triều, mực nước tại một số trạm đang cao hơn mức trung bình nhiều năm, như trạm Tân Châu, trạm Châu Đốc ngày 12/2 cao hơn trung bình nhiều năm 0,12-0,17 m so với cùng thời kỳ. Mực nước tại các trạm Cần Thơ, trạm Mỹ Thuận cao hơn, từ 0,3-0,32 m.

Tính đến ngày 14/2, độ mặn 4‰ (g/l) tại vùng sông Cửu Long (như sông Cửa Tiểu, sông Cửa Đại, sông Hậu…) đã tiến vào sâu từ 55-74 km, sâu hơn từ 10-18 km so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, nguồn nước về thấp ngay vào nửa đầu tháng 2. Do nước từ thượng nguồn xuống thấp, triều cường dâng cao, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên ĐBSCL trong tháng 2.

Ngoài ra, do thủy điện Trung Quốc xả thấp rất có thể kéo dài sang cả tháng 3, nguy cơ cao hạn mặn còn có thể tiếp tục cao thêm ở nửa đầu tháng 3.

Cả 3 vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng hạn mặn. Trong đó, vùng thượng ĐBSCL (gồm phần đất thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ) sẽ bị khó khăn khi bơm tát ở xa kênh trục.

Vùng giữa ĐBSCL (gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn xâm nhập có thể sâu trở lại ở kỳ triều cường tới từ ngày 21-27/2, nên tranh thủ chống hạn mặn và tích nước ngọt.

Đối với vùng ven biển (gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), cần xem xét ứng phó với tình hình mặn lịch sử.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, tình hình hạn mặn lịch sử bằng và hơn 2016 đã xảy ra. Theo đó, hạn mặn năm 2020 có nhiều nguy cơ sẽ gay gắt hơn cả đợt thiên tai lịch sử năm 2016, đỉnh điểm vào tháng 3 tới.

Hiện vào giữa tháng 2, nước mặn đã xâm nhập tới Cần Thơ (thuộc vùng thượng và giữa ĐBSCL). Tại Bến Tre, mặn đã xâm nhập toàn tỉnh. Có nhà vườn có nước trong mương vườn, nội đồng bị nhiễm mặn trên 1‰ (có nơi trên 5‰), đã ngừng lấy nước tưới.

Tại tỉnh Cà Mau, 75 tuyến đường giao thông nông thôn đã xảy ra sạt lở với tổng chiều dài khoảng 6.400m, do hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sụp lở đất.

Ngày 15/2, tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh cấp độ 1 rủi ro thiên tai do hạn mặn, chuẩn bị các phương án hỗ trợ trong tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo tổng hợp báo cáo của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, vào tháng 1, vùng này đã có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 158.000 hộ.

Ngoài ra, khoảng 136.000 ha cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn, chiếm 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: