Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc là vi khuẩn Salmonella.

truong ischool nha trang 3
Hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang ngộ độc do vi khuẩn Salmonella. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Tối 21/11, ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, ký công văn khẩn thông báo kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang.

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát thu dung cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm của Đoàn Kiểm tra Sở Y tế, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group, chạy phần lớn kháng sinh. Ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.

Theo Sở Y tế, tính đến 11h ngày 21/11, các bệnh viện tiếp nhận 648 ca ngộ độc. Trong đó, 261 ca xử trí ổn định cho về theo dõi; 387 ca nhập viện điều trị nội trú.

Trong số 387 ca điều trị nội trú, có 176 ca đã xuất viện, đang điều trị 211 ca; 21 trường hợp nặng cần theo dõi hiện nay sức khỏe đã ổn định.

Các bệnh viện đang điều trị, chăm sóc bệnh nhân ngộ độc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế về xử lý tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm.

Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang khiến một trường hợp tử vong – là em L.Z.X (SN 2016, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) đang học lớp 1.

Em X. được đưa tới Bệnh viện 22-12 lúc 1h32 ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng; chẩn đoán ban đầu là viêm dạ dày ruột cấp, hạ K máu.

Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim. Sau khi được hồi sức, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh; chẩn đoán lúc này là sốc nhiễm trùng/ngộ độc thực phẩm.

Sau thời gian điều trị thấy càng nặng, 8h30 ngày 20/11, em X. được chuyển tuyến Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng lúc chuyển sốt li bì, sốt 39 độ C, huyết áp 80/60mmHg, nhịp tim 180l/p, phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản. Em X. tử vong trên đường đi.

truong ischool nha trang 6
Các em học sinh đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Tính đến chiều 21/11, đã có 5 bác sĩ, 2 điều dưỡng đến từ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại Nha Trang để thăm khám cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Doãn Uyên Vy, Chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Salmonella là thủ phạm thường thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Dấu hiệu khởi phát thường gồm sốt, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy… Khuẩn này có nhiều trong thực phẩm như trứng gà, rau sống, thực phẩm tươi sống.

Những ngày qua, bác sĩ Vy hỗ trợ trường Ischool Nha Trang từ xa để tìm nguyên nhân ngộ độc. “Từ thực đơn và triệu chứng của các học sinh chủ yếu là tiêu chảy, một số trẻ nôn ói, sốt, tôi cũng cho rằng do Salmonella, xuất phát từ món sốt trứng hoặc rau sống”, bác sĩ Vy nói, theo báo Vnexpress. Trẻ nhiễm khuẩn Salmonella tiêu chảy nhiều có thể gây mất điện giải, nếu không bù điện giải kịp thời sẽ dễ hạ can xi, khiến bé lên cơn co giật, biến chứng.

Theo bác sĩ Cao Nguyên Đính, Phó Giám đốc Bệnh viện 22-12, trong những ngày qua, bệnh viện huy động tối đa nhân lực, vật tư, giường bệnh để đáp ứng nhu cầu cấp cứu học sinh trường iSchool Nha Trang, kể cả việc phải kê thêm giường dọc sảnh tiếp đón, hành lang…

Ông Đính cho hay có nhiều loại ngộ độc, do nhiều chủng vi khuẩn gây ra, thông thường bị ngộ độc thực phẩm có 2 nguyên nhân hay gặp là nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc nhiễm độc khối tụ cầu. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị theo phác đồ với loại vi khuẩn Salmonella và đáp ứng yêu cầu điều trị.

“Bệnh viện điều trị theo tình trạng lâm sàng, theo hướng nhiễm Salmonella, xác định được kháng sinh đồ rồi. Hiện tại, bệnh nhân đáp ứng khá tốt, khả quan. Phụ huynh phải bình tĩnh tiếp tục theo dõi những bé được cho ra viện về nhà rồi, có thể tái phát. Còn có tình trạng ủ bệnh, chưa bùng phát, cần được theo dõi sát để đưa các bé đến cơ sở y tế”, ông Đính nói, theo báo VOV.

Minh Long