Sáng 15/3, sau 4 tháng tạm hoãn, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án mạng tại Bình Dương (tháng 5/2019). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 25 phút bắt đầu, phiên tòa tiếp tục báo hoãn do bị cáo Phạm Thị Thiên Hà bị suy sụp, cần hỗ trợ y tế. 

tuyen an vu thi the trong be tong binh duong 4
Bị cáo Hà trao đổi với luật sư trong buổi tuyên án sơ thẩm hồi sáng ngày 3/7/2020. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Theo thông tin từ luật sư Nguyễn Xuân Chiến, người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thiên Hà, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phải thông báo hoãn, chưa rõ thời gian tổ chức xét xử. Lý do tạm hoãn do bị cáo Hà tới sáng nay mới nghe tin bố mất nên bị suy sụp tinh thần.

Luật sư Chiến cho biết bố của bị cáo Hà – ông Phạm Cường (SN 1946) đã mất hôm 24/9/2020 (hưởng thọ 74 tuổi), hơn 2 tháng kể từ sau phiên xét xử sơ thẩm. Theo thông tin từ luật sư Chiến, ông Cường mất do đột quỵ. Trong vụ án mạng xảy ra tại Bình Dương, ông Cường có quan hệ thân nhân đối với hai bị cáo, trong đó bị cáo Trịnh Thị Hồng Hoa (67 tuổi) là vợ và bị cáo Thiên Hà (32 tuổi) là con một.

Trại tạm giam tạm thời chưa thông báo cho bị cáo Hà biết thông tin bố ruột qua đời do lo ngại bị cáo bị sốc. Tuy nhiên, sáng nay, trên đường đến tòa, bị cáo Hà biết được thông tin trên nên bị suy sụp.

Trước khi xảy ra sự cố trên, phiên tòa sáng nay cũng diễn ra khá muộn. Khoảng 7h30 – 8h30, lực lượng an ninh kiểm soát chặt chẽ những người đến tham dự phiên tòa, chỉ cho phép luật sư và các bị cáo và gia đình có kháng cáo (gia đình của bị hại Trần Trí Thành) vào tham dự phiên tòa; các phóng viên phải ngồi phòng kín, theo dõi qua màn hình TV.

9h20, sau khi hoàn tất cả thủ tục cần thiết, phiên phúc thẩm mới bắt đầu. Cả 2 bị cáo Hoa và Hà được HĐXX cho phép ngồi để trả lời với lý do sức khỏe yếu.

Tuy nhiên, 25 phút sau, 9h45, bị cáo Hà được y bác sĩ hỗ trợ đưa ra ngoài phòng xử án vì có vấn đề về sức khỏe. Sau đó, phiên tòa được thông báo tạm hoãn.

3/4 bị cáo kháng cáo những gì?

Trước đó, phiên tòa phúc thẩm được dự kiến tổ chức vào ngày 27/11/2020, nhưng sau đó thông báo tạm hoãn. Tại phiên tòa sơ thẩm được tuyên vào ngày 3/7/2020, TAND tỉnh Bình Dương xác định bị cáo Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988, ngụ TP.HCM) giữ vai trò chủ mưu trong vụ án, tuyên án tử hình về tội “Giết người”.

Các đồng phạm lần lượt nhận các mức án: bị cáo Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, quê Tiền Giang) nhận tổng mức án 22 năm tù về hai tội “Giết người” và “Che giấu tội phạm”; bị cáo Ngọc Tâm Huyên (SN 1979, ngụ TP.HCM) bị tuyên tổng mức án 19 năm tù về hai tội “Giết người” và “Không tố giác tội phạm”; bị cáo Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953, mẹ của Hà) nhận tổng mức án 13 năm tù cho hai tội “Giết người” và “Không tố giác tội phạm”.

Sau đó, có 3 bị cáo kháng cáo, trong đó, bị cáo Hà cho rằng mình không giết ông Trần Đức Linh, còn bị cáo Hoa kháng cáo vì không tham gia giết người và không biết các bị cáo khác giết người. Trong khi đó, bị cáo Huyên kháng cáo, cho rằng không biết việc ông Linh bị giết và không trực tiếp tham gia giết anh Thành.

Bị cáo Thảo không kháng cáo, chấp nhận bản án 22 năm tù.

Bị cáo Hà và phương pháp tập luyện bất thường

Trao đổi khi phiên tòa phúc thẩm được báo tạm hoãn, luật sư Chiến cho biết nét chính trong kháng cáo của bị cáo Hà là Hà cho rằng mình không thực hiện giết Trần Đức Linh, chỉ nhận phần trách nhiệm gây ra cái chết cho Trần Trí Thành.

Trong phiên xử sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương nói ông Linh bị chết do bị đánh vào cổ và ngực, suy hô hấp; Hà không tham gia nhưng đã không cứu người trong trường hợp nguy hiểm (không đưa đi cấp cứu khi ông Linh suy kiệt) và để mặc Thành đánh ông Linh.

Bị cáo Hà kháng cáo, cho rằng mình không để mặc, có tát ông Linh mấy cái để ổn trí lại thì thấy có ổn định. Hà cũng cho rằng ông Linh đang có biểu hiện của “tịch cốc”, do đói nên mệt nên chỉ cần ăn uống đúng cách, không cần cấp cứu. Ngoài ra, về mặt tâm lý thì Hà cho rằng Hà là thủ lĩnh của mọi người nên Hà phải bảo vệ mọi người, việc bỏ mặc hoặc để cho chết là không đúng với tiêu chí của Hà.

“Bị cáo Hà khẳng định niềm tin của mình là Hà không giết ông Linh. Ngoài việc đứng vai trò là thủ lĩnh tinh thần của nhóm, thì mục đích của Hà là để chứng nghiệm phương pháp tập luyện của cô ấy” – luật sư Chiến cho hay.

Hồi diễn ra phiên xử sơ thẩm diễn trong các ngày 25-26/6/2020, khi được HĐXX hỏi, cả 4 bị cáo nhiều lần khẳng định không tu Pháp Luân Công, xác nhận “tu luyện” theo một “phương pháp” do Hà tự nghĩ ra mà Hà đặt tên là “Khảo nghiệm đức tin”. Trong đó, có yêu cầu cách sinh hoạt khắc khổ như “tịch cốc” (không ăn không uống, ít nhất là 14 ngày trở lên), cắt đứt liên lạc với người thân…

Tại bản kết luận điều tra và cáo trạng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương và Viện KSND tỉnh Bình Dương cho hay “tịch cốc” là phương thức tu khổ hạnh, các môn tu luyện Phật giáo và Pháp Luân Công không có cách tu này.

Hiện tại, trong hai gia đình bị hại, gia đình ông Linh đã nhận tiền bồi thường thiệt hại và làm đơn bãi nại; gia đình anh Thành chưa nhận tiền bồi thường thiệt hại, và mẹ của anh Thành đã làm đơn kháng cáo, trong đó khẳng định Trần Trí Thành không chết, “đề nghị tòa xem xét Hà không giết con tôi”, do đó không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Xuân Tường

Xem thêm: