Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội – ông Võ Tiến Hùng cho hay hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. 

hồ gươm ô nhiễm
Theo các chuyên gia, hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, cần cấp thiết tiến hành việc cải tạo. (Ảnh dẫn qua evivatour.com)

Tại hội thảo nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học về cải tạo môi trường nước hồ Gươm tổ chức tại Hà Nội, chiều 15/2, ông Hùng cho biết qua khảo sát hiện trạng cho thấy hồ Gươm mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức. Chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. Chất lượng nước suy giảm, độ PH cao ở mức 9,05 – 9,46.

Ông Hùng cho hay theo khảo sát bằng trực quan, màu xanh đặc trưng của hồ Gươm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng.

Ngoài ra, lớp bùn lắng đọng ngày một dày (0,47 đến 1,06 m) nên trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Trong lớp bùn chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ…

Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường cho thấy mật độ sinh vật đáy hồ Gươm thấp và có xu hướng giảm.

hồ gươm ô nhiễm
Năm 2010, người dân quay lại được hình ảnh nước hồ Gươm đặc quánh váng bùn và tảo, rùa nổi lên đớp một xác cá chết trương. Hình ảnh cho thấy điều kiện sống “bẩn” đến khó tin trong lòng hồ. (Ảnh chụp video)

PGS TS Hà Đình Đức – người gắn bó với hoạt động bảo vệ hồ Gươm từ đầu những năm 90 nhận định việc cải tạo môi trường nước hồ Gươm như hiện nay đã là muộn, nhưng cấp thiết phải làm, bởi vì hồ là nơi tụ thủy, nếu không làm gì hồ sẽ thành đầm lầy rồi thành đất liền. Ông cho hay trong bản đồ Hà Nội năm 1956, khu Khâm Thiên, Quốc Tử Giám tới 50-60% là hồ ao, song nay hồ đã dần biến thành đầm lầy và biến mất trên bản đồ.

Hồ Hoàn Kiếm những năm 70 còn lướt ván, đua thuyền vì có độ sâu, nhưng giờ đã ngập bùn, do vậy phải có phương án cải tạo sớm“, ông nhấn mạnh.

Theo ông, việc cải tạo hồ Gươm cần làm theo nhiều giai đoạn, báo cáo tổng hợp đầy đủ về các thông số kỹ thuật, môi trường, sau mỗi giai đoạn lại kiểm tra lại, bổ cập nước song song khi hút bùn để giữ mực nước.

Ngoài ra việc cải tạo cần làm thủ công để không ảnh hưởng môi trường nước. “Năm 1992, Sở Giao thông Công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) định lắp ống hút bùn hơn 100.000 m3 ra sông Hồng, lấy nước về hồ Gươm, nhưng tôi viết thư phản đối lên Hội đồng Bộ trưởng, vì như vậy sẽ làm mất màu nước hồ Gươm”, PGS chia sẻ.

TS Trần Đức Hạ (Khoa môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng nên nghiên cứu kỹ trước khi nạo vét. Năm 1992, Hà Nội đã nạo vét nhưng hiện tượng tảo nở hoa và các chỉ số thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi cho các loài thuỷ sinh phát triển.

Đại diện Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho hay hồ Gươm là một trong những điểm đến ấn tượng của Thủ đô, mỗi năm đón 1,3 triệu lượt khách nên việc nạo vét phải thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi và lắng nghe chuyên gia để có phương án tốt nhất.

Tại buổi họp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất 4 phương án cải tạo môi trường hồ Gươm, trong đó nhấn mạnh 2 giải pháp chính là nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước.

Cụ thể, lực lương chức năng sẽ nạo vét tổng thể, thanh thải bùn, phế thải tồn đọng dưới đáy hồ, xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy 3C để cải thiện chất lượng môi trường nước, bảo tồn hệ thủy sinh.

Theo kế hoạch, tổng khối lượng nạo vét ở hồ Gươm là 57.400m3, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9.7 ha. Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc 5h30 sáng.

Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển chất thải là 69 ngày chưa gồm thời gian chuẩn bị máy móc và kiểm tra nghiệm thu.

Liên quan đến phương án sử dụng nước giếng khoan để cấp cho hồ Hoàn Kiếm, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho rằng nguồn nước ngầm quanh hồ rất tốt, hàm lượng sắt thấp nên có thể bổ cập nước hồ; không đưa nước sông Hồng vào vì không giữ được màu xanh truyền thống và không đảm bảo môi trường sinh thái, sinh vật trong hồ.

Nguyễn Quân

Xem thêm: