Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết cùng với việc hoàn thành, khai thác tuyến Nhổn – ga Hà Nội (khởi công từ năm 2010), thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư, khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong 5 năm tới. Trong đó, Tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi khi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 đã có tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

tau metro nhon ga hanoi 1
Các kỹ thuật viên đang lắp ráp tàu tại Depot Nhổn trước khi chạy thử tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, tháng 12/2021. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Thông tin tăng cường đầu tư hạ tầng đường sắt đô thị, các tuyến đường được ông Tuấn công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải, diễn ra sáng 25/12.

Ông Tuấn cho biết 3 dự án đường sắt đô thị sẽ khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 gồm: tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai, tuyến số 1 Yên viên – Ngọc Hồi.

Tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc là đường sắt đô thị tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29 km đi trên mặt đất. Tuyến đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ khởi công vào năm 2022 và dự kiến vận hành 2026.

Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai dài 8,7 km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Kim Ngưu – Nguyễn Tam Trinh. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến 2028.

Tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.

Với dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội), ông Tuấn cho biết sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2022.

Dự án này ban đầu dự kiến sẽ khởi công vào năm 2006 và đưa vào hoạt động vào năm 2010. Sau khi bị dừng triển khai, dự án được khởi động lại vào năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Sau nhiều lần phải lùi ngày hoàn thành, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thông báo dự án tiếp tục lùi ngày hoàn thành đến năm 2019, năm 2021, nay là năm 2022.

Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt là 783 triệu Euro, sau điều chỉnh là 1.176 triệu Euro (khoảng 33.000 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu Euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp – AFD, Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu Euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.

Cũng tại hội nghị trên, ông Tuấn cho hay ngoài 3 dự án được sẽ khởi công giai đoạn 2021-2025 trên, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại để khởi công trong giai đoạn 2025-2030.

Ngoài hạ tầng đường sắt đô thị, Hà Nội cũng sẽ đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.

Tại 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì (đang chuẩn bị “lên” cấp quận), Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên; đồng thời kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: Quốc lộ 1 A, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B…

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đầu tư các trục đường Tây Thăng Long, Ngọc Hồi – Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai gồm: Vành đai 3.5, Vành đai 4 và vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên Quốc lộ 1A cũ)…

Theo ông Tuấn, tuyến vành đai 4 “rất quan trọng, góp phần cải thiện giao thông trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải”, theo Cổng thông tin thanglong.chinhphu.vn.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2021, UBND TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc thống nhất quan điểm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô. Theo quy hoạch được phê duyệt được nhắc đến trong tờ trình, giới chức 5 tỉnh thành trên cho biết tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.

Tháng 10/2021, HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô với tổng mức đầu tư trên 94.000 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ năm 2030 với kịch bản thu phí BOT cao nhất 233.000 đồng/lượt, thời gian thu phí hoàn vốn trên đường cao tốc là 21 năm.

Minh Sơn

Xem thêm: