Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Ngô Thị Minh khẳng định trước báo giới trong nước rằng, các em học sinh lớp 1 đang rất hào hứng với việc học SGK Tiếng Việt lớp 1. Nhưng trái lại, nhiều phụ huynh than rằng, con họ đang phải “đánh vật” với bộ sách này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Minh, SGK Tiếng Việt lớp 1
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam. (Ảnh: quochoi.vn)

Liên quan tới Bộ sách Cánh Diều, tờ Dân trí hôm 9/11 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Ngô Thị Minh cho biết cháu nội của bà đang theo học bộ sách này và “rất vui, rất cao hứng” sau nửa kỳ học.

“Thực tế các em học sinh lớp 1 đang rất hào hứng với việc học sách Tiếng Việt theo chương trình mới. Các cháu học ghép âm, ghép vần nhanh hơn trước rất nhiều. Ngay cả cháu nội tôi đang học bộ sách Cánh Diều, bố mẹ cháu cảm thấy thoải mái, không phải kèm cặp cháu nhiều”, bà Minh nói.

Với nhận xét “rất nhiều phụ huynh cho là phải đánh vật cùng các con học chương trình sách giáo khoa mới”, bà Minh cho hay: “Nhận thức là cả một quá trình nên theo tôi phụ huynh không nên lo lắng quá như vậy, đừng quá áp lực với con em mình, bắt các em phải đọc viết được ngay. Phụ huynh nên bình tĩnh”.

Với ý kiến “sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc nhóm Cánh Diều có lỗi, có sạn”, bà Minh khẳng định: “Bộ sách giáo khoa Cánh Diều có sạn, có một số cái sai, nhưng điều đó vẫn hoàn toàn phù hợp với các thông tư quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam”.

Bà Minh đưa ra lý do, vì sách giáo khoa không phải là pháp lệnh nên hội đồng và các chủ biên cố gắng tối đa để sao cho cái sai đó ít nhất.

“Sách biên soạn lần đầu cũng không tránh được hết những sơ suất. Nhưng tính cầu thị của hội đồng chủ biên cũng đã rõ, và hội đồng thẩm định cũng đang làm việc, xem xét lại từng vấn đề. Trong quá trình làm việc, cái gì sai, cái gì đúng cũng đã được hội đồng đưa ra. Một số vấn đề chưa thật phù hợp với lứa tuổi sẽ có những điều chỉnh để đạt kết quả tốt nhất. Hội đồng cũng đang làm việc và phải hoàn thành trước 15/11”, theo bà Minh.

SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều bắt đầu áp dụng cho học sinh vào năm học 2020 – 2021. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng Bộ sách này quá nặng, bài thiết kế dài, rườm rà, quá sức đối với học sinh lớp 1.

Không những thế, SGK Tiếng Việt lớp 1 còn được nhận xét là ngôn từ khó hiểu, nội dung câu chuyện không thể hiện rõ tính giáo dục, thậm chí còn phản giáo dục khi giúp học sinh khơi gợi tính lừa lọc, mưu mẹo, gian xảo…

Tờ Nhân dân dẫn lời phụ huynh Bùi Thanh Hương (Hà Nội) cho biết: “Cả ngày học trên lớp nhưng khi về nhà, hỏi từ nào con cũng không nhớ, tối nào hai mẹ con cũng phải “đánh vật” với các từ mới”.

Tương tự, chị N.T.L (TP.HCM) nói trên tờ Lao động: “Vợ chồng tôi đều đau đầu khi vật lộn cùng con sau mỗi buổi học. Sau giờ học trên lớp, tôi ngồi hướng dẫn cho con gái tập đánh vần theo nội dung trong SGK nhưng bất lực vì con không tiếp thu nổi.

Vừa vào học vài tuần là con đã học từ ghép, nối câu dài. Khối lượng kiến thức nhiều quá, con không nhớ nổi. Có lẽ con cũng gặp áp lực nên cứ đến giờ học là nước mắt ngắn dài và không vui vẻ khi đến trường đi học”.

bai tho thuong ong
Bài thơ “Thương ông” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình thương, lòng hiếu thảo, nay đã bị cải biên và được dư luận nhận xét là lủng củng, thiếu chiều sâu.

Chị T.L. (Hà Nội) than trên tờ Zing News rằng, sách Tiếng Việt lớp 1 sử dụng nhiều từ khó hiểu, ít thông dụng như từ “Gà nhép”, “gà nhí”, “nhá”, “tợp”, “quà quà”… khiến chị bối rối, phải tra mạng, phòng khi con hỏi còn biết để giải thích.

“Dù tôi bực mình nhưng khi nhìn đến hình ảnh miếng dưa hấu được ghi là “dưa đỏ”, tôi cũng phải bật cười về “sự ngô nghê” của người viết sách. Rõ ràng, với bài học về vần “ưa”, họ hoàn toàn nên dùng từ “dưa hấu”, từ mà người Việt vẫn sử dụng để nói về loại dưa này.

Tôi đưa hình cho con trai xem, bảo con rằng người ta gọi nó là “dưa đỏ”. Thằng bé hỏi lại thế dưa lưới là dưa vàng, dưa bở là dưa xanh hay sao? Tôi không biết nên cười hay mếu nữa”, chị L. nói trên tờ Zing.

Còn chị T.H (Hà Nội) cho biết những câu chuyện trong sách là vô bổ, thiếu tính giáo dục, không logic, dạy học sinh tính khôn lỏi, tinh ranh, lừa gạt… như bài “Ve và gà“, “Hai con ngựa“, “Cua, cò và đàn cá”

“Tôi không hiểu tác giả đưa những câu chuyện trên vào làm gì. Chẳng lẽ, học sinh lớp 1 chỉ cần học chữ, bất chấp việc những chuyện đó ảnh hưởng ra sao tới tâm trí trẻ”, chị H. nói.

Phản biện về Bộ sách này, mới đây, nói trong Nghị trường Quốc hội Việt Nam, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ SGK lớp 1, bởi theo bà, khâu biên soạn SGK thì theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia; làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng đạt được của người lớn nhiều toan tính; một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin; cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố cũng thật là khó hiểu…

“Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành, thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn, sự trong sáng của tiếng Việt rất cần được truyền dạy một cách thấu hiểu, cẩn trọng, tận tâm và tận tụy đối với từng đứa trẻ vừa bước qua tuổi mầm non”, bà Hiền nói.

Văn Duy