Cuối tháng 2/2017, thông tin 324.000 tỷ đồng Chính phủ vay Bảo hiểm xã hội đã được chuyển thành trái phiếu được công bố. 

trai phieu bhxh
Tổng số tiền BHXH cho ngân sách Nhà nước vay dưới dạng trái phiếu là 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ BHXH cho vay. (Ảnh minh họa)

Đến tháng 12/2017, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết bắt đầu từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước sẽ tham gia với vai trò là nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường trái phiếu chính phủ.

Với việc chuyển 324 nghìn tỷ đồng Chính phủ vay thành trái phiếu – nâng tổng số tiền BHXH cho ngân sách Nhà nước vay dưới dạng trái phiếu lên 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ BHXH cho vay (hơn 435 nghìn tỷ đồng) – Chính phủ trở thành “con nợ” lớn nhất của nguồn quỹ an sinh này. (*)

Theo Betsy Graseck, chuyên gia phân tích tài chính cao cấp của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, việc tiền bảo hiểm được chuyển qua trái phiếu kho bạc cho chính phủ vay không phải là điều lạ trên thế giới. Tại Mỹ, Quỹ Uỷ thác An sinh Xã hội, chủ yếu do người dân Mỹ đóng vào để hưởng hưu trí, sở hữu phần lớn nợ của chính phủ Mỹ. Số tiền người được hưởng đóng góp đang diễn ra chỉ chiếm chưa tới 3,05% nguồn quỹ, nên tiền nhàn rỗi được chuyển qua trái phiếu kho bạc, chính quyền vay và trả lãi. Tuy nhiên, các khoản vay nợ của chính phủ Mỹ do Quốc hội giám sát rất chặt chẽ, do Bộ Tài chính quản lý, nên từ quản lý đầu tư đến chi tiêu đầu tư đều được thực hiện rất minh bạch. Các khoản nợ là an toàn do năng lực trả nợ của chính phủ được kiểm soát. Ngoài ra, trái phiếu của chính phủ Mỹ được bảo vệ tránh khỏi lạm phát, gọi tắt là TIPS (Treasury inflation-protected securities).

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc chuyển tiền thành trái phiếu để chính phủ vay được cho là rủi ro khá lớn khi tính khả tín trong các khoản đầu tư của chính phủ rất thấp, trong khi có nguy cơ lớn đồng VND mất giá do lạm phát.

55 nghìn tỷ đồng là tổng nợ phải trả cho 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn do Bộ Công Thương làm chủ quản (tổng mức đầu tư trên 63,6 nghìn tỷ đồng). Sang năm 2018, dự án muối mỏ kali tại Lào được công bố là dự án ngàn tỷ thứ 13 thua lỗ, gây thất thoát; con số thua lỗ lũy kế tính tới thời điểm dừng triển khai là trên 16 nghìn tỷ đồng. Tầm nhìn lãnh đạo tiếp tục gây sửng sốt khi tân chủ tịch Petro Vietnam Trần Sỹ Thanh đề xuất cho tập đoàn chi thêm tiền để “cứu” dự án của dầu khí, bản chất là rút thêm ngân sách để bù lỗ, cho rằng “nếu đầu tư thêm một số tiền cần thiết thì có thể thu hồi vốn tốt hơn“.

(Trong khi đó, thương vụ chuyển nhượng cổ phần Sabeco – một thương hiệu Việt – được cho là thương vụ để “con voi lọt lỗ kim” khi tập đoàn đồ uống Thái Lan – ThaiBev có thể dễ dàng vượt qua rào cản kỹ thuật 49% room ngoại – thành lập một công ty được xác định là công ty Việt Nam và mua toàn bộ cổ phần chào bán của Bộ Công thương. Bán Sabeco thành công, Bộ Công Thương thu về gần 110 nghìn tỷ đồng).

Về rủi ro lạm phát, theo Betsy Graseck, đồng tiền VND đang mất giá quá nhanh so với đồng USD của Mỹ: tính từ đầu năm 2018 tới nay, tỷ giá đồng VND đã giảm 0,24% so với đồng USD. Cùng thời gian, tỷ giá đồng VND giảm tới 3,02% so với đồng Yuan của Trung Quốc (đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, trung bình một năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay). Đối với Nhật Bản – quốc gia cho Việt Nam vay ODA nhiều nhất, bên cạnh hai tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đồng JPY lại tăng giá khá mạnh, từ 6,53% đến 6,54% so với đồng VND. Trong khi đó, Thái Lan – quốc gia đang thực hiện chiến lược thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam từ nông sản tới hàng tiêu dùng, ô tô…, thì đồng baht lại đang tăng giá tới 1,18% so với Yuan, tăng 1,45% so với JPY, tăng 3,40% so với USD, và tăng 4,35% so với VND, tính từ đầu năm 2018 cho tới nay.

Với việc lạm phát đang tăng nhanh, đồng tiền VND mất giá, cộng “tiền sử” đầu tư thất thoát thua lỗ như hiện nay, thì lời khẳng định của đại diện Bộ tài chính rằng quỹ BHXH vẫn an toàn khi chuyển 324.000 tỷ thành trái phiếu vì bản chất đều cho Chính phủ vay, nên hiểu “an toàn” theo nghĩa đã rõ “con nợ” là ai, chứ không phải khả năng trả nợ hay các khoản đầu tư, quản lý nguồn vốn được đảm bảo minh bạch.

Liệu có xảy ra bi kịch rằng người dân Việt sau này sẽ phải gánh thuế phí cao hơn nữa để trả giúp gần 400 nghìn tỷ đồng do chính phủ vay mượn từ tiền bảo hiểm hay không, điều này cần xét xem tính trách nhiệm và hiệu quả đầu tư được thực hiện tới đâu.

Vĩnh Long

(*) Các khoản đầu tư còn lại: hơn 59.000 tỷ đồng, tương đương 13,7% tổng quỹ, cho các ngân hàng thương mại vay; 6.000 tỷ đồng, tương đương 1,38% tổng quỹ, cho dự án thủy điện Lai Châu vay, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố vào tháng 2/2017.

Xem thêm: