Gần một tháng kể từ khi xảy ra hiện tượng hơn 3.000 tấn nghêu, sò, cá chết trắng khu vực ven biển huyện Kiên Lương và Hà Tiên từ ngày 5 đến ngày 10/5, các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân gây ra sự việc.

3000 tan ngheu so chet tai kien giang 2
Nghêu chết trắng tại bãi nuôi. (Ảnh: FB Phạm Tấn Thăng)

Sáng ngày 2/6, UBND tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc với các sở, ngành và Bộ NN&PTNT về việc thủy sản chết hàng loạt tại khu vực ven biển từ xã Bình An (Kiên Lương) đến xã Thuận Yên (Hà Tiên) vào đầu tháng 5 vừa qua.

Theo thông tin tại buổi làm việc, sau khi xảy ra sự cố hải sản chết hàng loạt trên vịnh Hà Tiên, đã có ba cơ quan đến lấy mẫu để phân tích tìm nguyên nhân gồm: Cục Thú y, Tổng cục thủy sản và Sở TN-MT Kiên Giang, tuy nhiên các phân tích của 3 cơ quan này cho các kết quả khác nhau.

Cụ thể, theo nhận định của Cục Thú y, nguyên nhân chính có thể là do nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ trong khoảng thời gian 3 ngày dẫn đến hiện tượng thủy sản trúng độc và chết hàng loạt. Hàm lượng Amoniac có cao ở một số thủy vực, nhưng nguyên nhân được cho là do xác thủy sản phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Kết quả phân tích từ Tổng cục thủy sản cho thấy loài tảo Leptocylindrus với mật độ cao 304.200-1.668.600 tế bào/lít gây hiện tượng “nở hoa” làm thiếu oxy cục bộ vào ban đêm, dẫn đến tình trạng thủy sản chết hàng loạt.

Trong khi đó, theo Sở TN&MT Kiên Giang, chất hoạt động bề mặt tại khu vực thủy sản chết có dấu hiệu cao hơn bình thường. Đây là những chất thường sử dụng trong sản xuất xà bông, chất tẩy rửa, mỹ phẩm tuy nhiên Sở vẫn chưa tìm thấy mối tương quan giữa các cơ sở sản xuất với sự xuất hiện của các chất này trong môi trường thủy sản khu vực.

3000 tan ngheu so chet tai kien giang 3
Nghêu chết trắng bờ tại ven biển Kiên Giang. (Ảnh: FB Phạm Tấn Thăng)

Theo kết luận của Sở NN&PTNT Kiên Giang thống nhất tại cuộc họp, các ngành chuyên môn nhận định chung là không có sự biến động, thay đổi lớn trên diện rộng của môi trường biển tự nhiên (do thời tiết hay thủy triều đỏ), hàm lượng kim loại nặng (Cd, Pd, Hg, As,…), chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa, tảo độc và vi sinh vật gây hại đều nằm trong ngưỡng cho phép hoặc không phát hiện. Các mẫu nước xét nghiệm cũng không ghi nhận sự hiện diện của Xyanua và Phenol. Kết quả giám sát môi trường từ sau sự cố thủy sản chết hàng loạt của các cơ quan chức năng cũng không ghi nhận sự thay đổi bất thường từ ngày 11/5/2017 đến nay.

Trên cơ sở phân tích của các cơ quan chuyên môn, Sở NN&PTNT Kiên Giang thống nhất kết luận nguyên nhân chung khiến hơn 3.000 tấn nghêu, sò chết là do nguồn nước biển ở khu vực biển Hà Tiên và Kiên Lương tại thời điểm đó bị ô nhiễm cục bộ do hiện tượng tảo “nở hoa” sinh độc tố và gây thiếu oxy vào ban đêm.

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, các nguồn lực cần tiếp tục phối hợp để tìm ra nguyên nhân khiến cá, nghêu chết hàng loạt.

Theo thống kê, từ ngày 5 đến ngày 10/5, khu vực cá chết tại Kiên Giang trải dài trên phạm vi hơn 30km từ xã Bình An (huyện Kiên Lương) đến cầu Tô Châu (thị xã Hà Tiên), trong đó, khu vực Hà Tiên có 17 hộ nuôi nghêu bị mất trắng 139 tấn, huyện Kiên Lương có hơn 3.000 tấn nghêu, sò huyết, sò lông và hơn 23.000 con cá bóp, cá mú, cá chẽm của 22 hộ nuôi bị chết, ước tính thiệt hại khoảng gần 69 tỷ đồng.

Thủy Minh

Xem thêm: