Xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có hơn 50ha rừng ngập mặn, trong đó 25ha rừng tự nhiên đã chết khoảng 7,5ha; rừng trồng mới 26ha, chết hơn 25ha.

rung chet tam giang 1
Hơn 30ha rừng ngập mặn ở xã Tam Giang chết khô, chưa rõ nguyên nhân. (Ảnh: baoquangnam.vn)

Truyền thông nhà nước vừa cho biết cánh rừng ngập mặn xanh tươi rộng hơn 50 ha chạy quanh xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang chuyển màu nâu sẫm, hàng ngàn thân cây khô héo.

Theo người dân địa phương, sau nhiều cơn bão hồi cuối năm 2020, cây xanh bắt đầu rụng lá rồi chết khô. Đến hè năm 2021, nắng nóng kéo dài khiến cành, thân chết khô nhanh hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Chính (64 tuổi, xã Tam Giang), từng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn nói trên báo Quảng Nam: “Vùng quê này được bốn bề sông và cửa An Hòa vây quanh bao bọc. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Để cứu làng, những thế hệ người Tam Giang trước đây đã trồng cây mắm, bần, đước… chắn sóng, tạo thành khu rừng rộng hàng trăm ha ven sông.

Rừng là lá phổi của làng, ngăn sóng, bão gió, bảo vệ người dân. Nhiều năm qua người dân trồng và chăm sóc bảo vệ nhưng nay khô héo hết rồi”, ông Chính nói và mong muốn chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, trồng lại cây mới.

Báo VTV cho hay kể từ khi cây trong rừng ngập mặn chết khô, hệ sinh thái nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Ngày trước tôm, cá trong các khu rừng ngập mặn trù phú lắm vì cây cối xanh tốt giúp chúng có chỗ trú ngụ. Bà con nhờ vậy có kế sinh nhai nhờ nghề bủa lưới. Còn bây giờ, các loài thủy sản khan hiếm khiến việc khai thác trở nên khó khăn”.

Báo Vnexpress dẫn lời ông Lương Văn Long (người dân địa phương) nhận định, cơn bão Molave cuối tháng 10/2020 mạnh nên mang theo nước mặn nồng độ cao xâm thực ngâm nhiều ngày khiến cây chết.

Mặt khác, xã Tam Giang có nhiều cửa sông chảy về nên rác thải tấp vào. Mỗi khi nước lớn dâng lên, rác tràn vào rừng, nay lá cây không còn che phía trên nên rác lộ thiên dày đặc.

rung chet tam giang
Mỗi khi nước lớn dâng lên, rác tràn vào rừng, nay lá cây không còn che phía trên nên rác lộ thiên dày đặc. (Ảnh: baoquangnam.vn)

Theo báo Tuổi Trẻ, rác thải bốc mùi hôi thối khiến người dân rất lo lắng về môi trường. Cây chết, việc chống chọi với mưa bão, sóng biển, sạt lở khi mùa mưa đến sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tờ báo dẫn lời ông ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết toàn xã hiện có hơn 50ha rừng ngập mặn, trong đó có hơn 25ha là rừng tự nhiên, 26ha là rừng trồng mới chủ yếu tập trung ở phía đông và tây của xã. Sau hai đợt bão vào năm 2020, một số cây trong khu vực rừng ngập mặn có tình trạng rụng lá hàng loạt và bắt đầu héo cành rồi chết.

Ông Bùi Văn Gát – Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Núi Thành cho hay xã Tam Giang có hơn 50ha rừng ngập mặn, trong đó 25ha rừng tự nhiên đã chết khoảng 7,5ha; rừng trồng mới 26ha, chết hơn 25ha. Hôm 9/7, giới hữu trách đã xuống kiểm tra rừng nhưng chưa đánh giá được nguyên nhân rừng bị chết.

“Sắp tới chính quyền cùng xã sẽ lên phương án bảo vệ rừng, đề xuất các nguồn kinh phí để trồng mới, bổ sung cây cho rừng ngập mặn. Thực hiện thu gom rác thải ở ven bìa rừng, theo dõi, xử phạt đối với các hành vi vứt rác bừa bãi vào khu vực rừng ngập mặn”, ông Gát nói.

Theo báo Tài Nguyên và Môi Trường, những năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ nở rộ, nhiều hộ dân bắt đầu “xẻ thịt” rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và xã Tam Giang bị thiệt hại nặng nề. Lúc này người dân địa phương mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng nuôi tôm. Họ bảo nhau phải khôi phục lại cánh rừng bị mất.

Ông Phạm Văn Châu, Chủ tịch xã Tam Giang cho biết rừng ngập mặn như một bức bình phong “án ngữ” che chắn cho người dân thôn Đồng Xuân. Đợt bão số 9 năm 2019, ai cũng nghĩ Đồng Xuân sẽ bị “sập làng” vì sóng xô gió giật quá mạnh. Thế mà làng vẫn bình yên.

“Nếu không có rừng ngập mặn Tam Giang, đoạn đê 4617 dài 150 m đã bị sóng đánh tan hoang. Gió mạnh, sóng lớn xô dạt dữ dằn mà vẫn không hề hấn gì. Những đoạn không có rừng ngập mặn thì sức công phá rất lớn” – ông Châu nói.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Sau hơn 200 vụ phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, 4 trưởng BQL bị tạm đình chỉ