“Đóng” cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học, cao đẳng năm 2022 trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, có đến gần 35% tổng thí sinh không không nhập nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. 

bo xet tuyen dai hoc
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, Hải Phòng, tháng 7/2022. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời hạn 17h ngày 20/8, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.522 với tổng số nguyện vọng là 3.098.730. Trung bình mỗi thí sinh có 5,03 nguyện vọng.

Tới thời điểm trên, hệ thống đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đóng lại, bắt đầu thời gian nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (trực tuyến) từ ngày 24/8 đến 17h ngày 31/8 (thay thế thời hạn cũ là từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8, do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến), chia theo 3 đợt theo từng nhóm các tỉnh, thành phố.

Theo đó, so với tổng 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước, tổng cộng có 325.237 thí sinh đã hết quyền xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022. Con số trên chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tự sàng lọc hay hiểu lầm nên không đăng ký?

Việc hơn 1/3 số thí sinh từ bỏ xét tuyển đại học, cao đẳng đặt câu hỏi liệu có phải điều bất thường hay không trong hệ thống giáo dục.

Dẫn lời GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, báo Việt Nam Net cho rằng “khá bất ngờ” nhưng nhìn nhận con số này là “tín hiệu tích cực”, rằng người trẻ đã có định hướng rõ ràng hơn tương lai, không nhất định phải vào đại học. “Hiện nhu cầu thợ lành nghề đang rất cao nên nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt”, ông Đức nói.

Đồng quan điểm, bài báo dẫn ý kiến của một chuyên gia về giáo dục đại học khác (không nêu danh tính) rằng việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi có điểm thi giúp thí sinh xác định được có cơ hội vào đại học hay không, thay vì đăng ký nguyện vọng mò” trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT như các năm trước khiến thí sinh cứ “đăng ký ào ào”.

Cùng cho rằng phương thức xét tuyển thay đổi đã tác động đến số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của một số hiệu trưởng đại học, cho rằng điều này là bất thường. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đưa ra khả năng do quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến có nhiều phương thức xét tuyển nên có thể khiến thí sinh lầm tưởng đã đỗ đại học, cao đẳng nên không cần đăng ký nữa.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đưa ra 3 yếu tố dẫn đến việc có đến 1/3 thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển, một là từ thực tế, nhiều học sinh cho ông biết sẽ chọn học nghề vì học phí đại học năm nay tăng quá cao, thu nhập của gia đình ở nông thôn không theo kịp; hai là sau 2 năm mở lại giáo dục sau dịch COVID-19, nhiều gia đình có điều kiện lựa chọn cho con đi du học; ba là quy trình đăng ký xét tuyển, lọc “ảo” chung của Bộ GD-ĐT phức tạp khiến nhiều thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng khó khăn không nắm rõ được các quy định về tuyển sinh vô cùng mới của năm nay.

Ông Dũng chỉ thêm khả năng có thể một số trường đại học cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh (xét tuyển sớm bằng học bạ, đánh giá năng lực…, cho phép thí sinh đóng tiền học phí và nhập học sớm) cũng khiến một số thí sinh không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung nữa.

Đại diện Bộ GD-ĐT nói gì?

Dẫn ý kiến từ đại diện Bộ GD-ĐT, báo Dân Trí cho hay PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là điều bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại. Bà Thủy cho hay năm 2020, có 642.270 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống, năm 2021 là 794.739 thí sinh.

Đó là do mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Thí sinh có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng”, sau đó mới dần điều chỉnh.

Sang năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí.

Theo bà Thủy, việc đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh xác định được có khả năng đỗ hay không, do vậy đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học, con số đi du học năm 2022 là lớn…

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng việc sàng lọc thí sinh (tự nhiên và qua phương thức xét tuyển) giúp giảm được công sức, lệ phí xét tuyển không cần thiết cho thí sinh, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn.

Sơn Nguyên