400 tấn cá lồng của người dân tại Tuyên Quang, Hòa Bình và Phú Thọ bị chết do sặc nước khi thủy điện Hòa Bình xả lũ sẽ được đền bù theo Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

thuy dien xa lu hang tram tan ca long tren song da chet ngat
Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến các lồng nuôi cá trên sông Đà bị vỡ, hàng trăm tấn cá chết ngạt. (Ảnh: baophutho.vn)

Tính đến sáng ngày 24/7, ước tính có hơn 400 tấn cá nuôi trên lồng bè của người dân hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ bị chết, trong đó Phú Thọ chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 350 tấn cá bị chết.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Thanh Sơn với hơn 200 lồng bè trong tổng số 440 lồng bè nuôi cá của người dân bị thiệt hại, ước tính có 350 tấn cá chết do ngạt khí khi thủy điện Hòa Bình xả lũ.

Theo người dân địa phương, khi thủy điện xả lũ, dòng chảy lớn khiến cá bị ngạt khí, đồng thời kéo theo các độc tố từ bùn đáy tích tụ lâu ngày trôi xuống khu vực hạ nguồn.

Tại tỉnh Hòa Bình, Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho hay hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Kỳ Sơn và TP. Hòa Bình. Theo ghi nhận của huyện Kỳ Sơn, lượng cá chết đến sáng ngày 24/7 khoảng 35,6 tấn, tại TP. Hòa Bình có hơn 20 tấn. Cá chết hàng loạt với số lượng lớn khiến người dân Hòa Bình phải bán tháo cho các chủ vườn cam với giá 10.000 đồng/kg.

Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân cá chết là do sự thay đổi đột ngột môi trường sống, sặc bùn, môi trường nước trong hồ chứa không phù hợp, dòng chảy tạo các xoáy ngầm, lượng phù sa bị “khuấy”, lượng oxy trong nước thay đổi hoặc giảm sút,… khiến cá bị ngạt khí. Đại diện Chi cục Thủy sản Hòa Bình đã xuống thực địa lấy mẫu nước và mẫu cá gửi Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để kiểm tra, hiện vẫn đang chờ kết quả. Đến thời điểm hiện tại, số lượng cá chết vẫn đang tiếp tục được cập nhật.

Thông tin với báo chí ngày 25/7, ông Văn Phú Chính – Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho hay việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại hơn 400 tấn cá do thủy điện Hòa Bình xả lũ sẽ được thực hiện theo quy định.

Ông Chính cho biết trước thời điểm xả lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về việc khả năng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ. Vì vậy, các địa phương chủ động thông báo cho người dân vùng hạ du được biết, đồng thời có các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo ông Chính, việc thông báo xả lũ và quá trình xả lũ đã được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, đáng tiếc là có một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã chịu thiệt hại khi cá nuôi ở lồng bè chết do sặc nước.

Ông Chính cho hay việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch các tỉnh, thành phố theo Nghị định 02 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được ban hành từ đầu năm 2017. Các địa phương cần sớm thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Theo Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh:

Mức hỗ trợ đối với diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70% từ 7.100.000 đồng – 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% nhận mức hỗ trợ từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng/ha.

Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 – 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng/100 m3 lồng.

Trước đó, do tình hình mưa lũ kéo dài liên tục từ giữa tháng 6/2017, cùng với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cho vận hành liên hồ chứa nước trên sông Đà.

Theo đó, thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình đã mở các cửa xả đáy. Hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả: một cửa mở lúc 18h ngày 18/7; cửa thứ hai mở vào lúc 6h ngày 19/7, đồng thời phát điện hết công suất 8/8 tổ máy. Hồ Sơn La mở một cửa xả lúc 8h ngày 19/7, phát điện hết công xuất 6/6 tổ máy vào ban ngày và phát điện qua các tổ máy tối thiểu 1.700 m3/s vào ban đêm.

Lệnh mở cửa xả được thông báo đến các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du.

Đến 6h sáng 22/7, thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa xả lũ thứ 3 và liên tục phát tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/s. Hồ thủy điện Sơn La tiếp tục duy trì mở một cửa xả. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, hồ thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy lúc 14h ngày 22/7.

Thủy Minh

Xem thêm: