Bộ Công an Việt Nam công bố tính đến tháng 5/2022, Bộ này đã sắp xếp hơn 3.400 tỷ đồng để đầu tư cho Công an xã, thị trấn trên toàn quốc. UBND các cấp cũng chi hơn 1.700 tỷ đồng đầu tư cho dự án này của Bộ Công an, chưa kể quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc.

du an cong an xa chinh quy
Ngoài điều động công an chính quy về xã, Bộ Công an đang đề xuất gộp bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung, với số lượng khoảng 300.000 người. Hình ảnh tại xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, năm 2019. (Ảnh minh họa: bocongan.gov.vn)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, ngày 3/6.

Chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính được thực hiện từ năm 2018, theo tinh thần Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến năm 2021, Chính phủ ra Nghị định số 42/2021/NĐ-CP quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, yêu cầu hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy trên toàn quốc trước ngày 30/6/2022.

Báo cáo sơ kết, Chánh Văn phòng Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết tính đến ngày 14/5/2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã điều động hơn 48.000 công an chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.

Tính đến tháng 5/2022, Bộ Công an đã “bố trí” hơn 3.400 tỷ đồng để đầu tư cho Công an xã, thị trấn trên toàn quốc. UBND các cấp đã “bố trí” quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc của Công an xã, thị trấn chính quy, trong đó đã “bố trí” tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng đầu tư cho Công an xã, thị trấn chính quy.

Về kết quả làm việc, Bộ Công an công bố sơ lược khi cho hay từ năm 2018 đến nay, lực lượng Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 82.000 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự; trực tiếp giải quyết hơn 49.000 vụ, chuyển cơ quan khác hơn 6.000 vụ và phối hợp với các lực lượng giải quyết hơn 7.000 vụ; xử lý hành chính hơn 26.000 vụ việc… Bộ này nhấn mạnh công an xã, thị trấn chính quy có vai trò quan trọng trong đợt dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu thập, cấp CCCD gắn chip.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy “có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở”.

Ông Lâm yêu cầu thời gian tới công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các mặt công tác; nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng công tác của lực lượng Công an xã, thị trấn; hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, cán bộ, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy; chế độ, chính sách đối với Công an xã, thị trấn và đội ngũ Công an xã bán chuyên trách (trước đây).

Hai năm trước, sáng 12/11/2020, tại buổi thảo luận ở tổ của Quốc hội về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các ý kiến phản biện cho rằng lực lượng này “đẻ” ra bộ máy rất lớn và đội ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho rằng không thể nói đây là lực lượng bảo vệ cơ sở, vì nhiệm vụ đề ra trong dự án luật không có nhiệm vụ nào lực lượng này trực tiếp tham gia hay tự chủ trì để thực hiện. “Bởi dân quân thì làm đến đâu, dân phòng làm đến đâu và được hoạt động cơ động đến đâu?”, ông Hoàng nói, cho rằng “cơ sở” là từ “chính trị” chứ không phải từ “pháp lý”, phải nói là “địa bàn xã, địa bàn huyện, địa bàn tỉnh”.

Theo tính toán của Bộ Công an, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách và nếu Luật được thông qua, sẽ giảm được 500.000 người. Song ông Hoàng cho rằng thực tế các lực lượng cơ sở sẽ tăng biên chế thêm 800.000 người, chứ không giảm đi.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng: “Nói là tinh gọn nhưng Luật “đẻ” ra bộ máy rất lớn. Quy định trách nhiệm lực lượng bảo vệ này không có gì đặc biệt hơn so với hiện nay đang thực hiện kết hợp. Nhưng có điều chế độ bồi dưỡng hỗ trợ quá lớn, thậm chí giống hoặc nhiều hơn công chức.”

Đưa ra lý giải, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng lực lượng này vẫn đang tồn tại và hoạt động tại các địa phương, chứ không thêm lực lượng mới. Chi phí có thể phát sinh là vấn đề cần lưu ý, nhưng không ảnh hưởng Luật này ra đời. Một số lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia chưa được văn bản quy định nên cần tổng kết để đưa vào luật”, ông Lâm nói.

Theo tin từ các trang truyền thông của ngành công an, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì xây dựng và soạn thảo dự kiến sẽ sớm được xem xét tại các kỳ họp Quốc hội tới đây.

Nguyễn Quân