Mới đây, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam công bố báo cáo về tình hình rác thải nhựa ở Việt Nam cho biết đã có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.

rac thai nhua dai duong
Vi hạt nhựa không chỉ được tìm thấy ở dưới biển. (Ảnh: Shutterstock)

Phân tích của Ipsos được rút ra từ kết quả nghiên cứu trực tuyến toàn cầu với hơn 20.000 người tham gia từ 16 – 64 tuổi tại 28 quốc gia trong khoảng thời gian từ 23/3/2018 đến 6/4/2018.

Tại Việt Nam, rác thải nhựa đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng với môi trường. Theo nghiên cứu, Việt Nam nằm trong TOP 3 nước ở khu vực Đông Nam Á có mức tiêu thụ nhựa cao nhất. Cụ thể, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg trên mỗi đầu người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 – 2018, xếp sau Thái Lan (66,4 kg/người) và Malaysia (75,4 kg/người).

Như vậy qua mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 1,8 triệu tấn nhựa. Mức tăng liên tục này đã đẩy Việt Nam vào danh sách các nước tiêu thụ nhựa lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ có 27% túi nilong được tái chế. Ngoài ra, Ipsos ước tính mỗi năm có tới 730.000 tấn rác thải nhựa tại Việt Nam được xả ra biển.

Đại diện Ipsos tại Việt Nam cho hay, với tình hình này, dự báo đến năm 2050, biển của Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá nếu không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn tình trạng này.

Báo cáo cho thấy, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Quyết định số 73/2014 TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất không có sự phân loại rõ ràng phế thải nhựa thành các chất cụ thể. Do đó, phế liệu nhựa thường lẫn theo các tạp chất gây độc hại; và nhiều công ty nước ngoài đã sử dụng kẽ hở này để xuất khẩu chất thải nhựa bất hợp pháp sang Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, sau khi Trung Quốc cấm nhập 24 loại phế liệu trong đó đa phần là phế liệu nhựa, lượng chất thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng gần 200% so với năm 2017.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 5/7/2018, 1.342 container phế liệu nhựa đã bị kẹt ở cảng Hải Phòng hơn 90 ngày, trong khi hàng ngàn container vẫn nằm ở cảng Cát Lái.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách để giảm thiểu rác thải nhựa như quy định về xử phạt hành vi không phân loại rác, áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon. Đặc biệt, đã có những chiến dịch loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách cấm túi nhựa sử dụng một lần tại tất cả các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vào năm 2021 và trên cả nước vào năm 2025. 

Tuy nhiên, báo cáo nhận định, việc thi hành chính sách chưa mang lại hiệu quả cao do 4 yếu tố: thiếu hệ thống thực thi pháp luật hiệu quả; người dân vẫn chưa được hướng dẫn kỹ, rõ ràng trong việc phân loại rác và kể cả “tiết kiệm” sử dụng túi nilon; thuế đánh vào sản phẩm túi nilon chưa đủ nặng để nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng biết “sợ” khi dùng túi nhựa một lần; và khó khăn trong việc thay đổi thói quen túi nilong của người tiêu dùng Việt.

Bảo Minh

Xem thêm: