Tàu điện Cát Linh – Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố vào tối ngày 7/12, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội, cho biết thời gian tới, hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông có thể tiếp tục gặp những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ mà không được thông báo trước.

dien tap su co cat linh ha dong 1
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, sắp tới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách (Ảnh: Metro Hà Nội).

Ngày 15/12, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt (Metro Hà Nội) cho biết theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT (Pháp), trong năm đầu khai thác thương mại, quá trình vận hành đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông nên diễn tập những tình huống có thể xảy ra, để nâng cao chất lượng an toàn cho tuyến.

“Khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành”, ông Trường nói.

Giám đốc Metro Hà Nội khẳng định “việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu”; “tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho hành khách ngay sau đó”.

Lúc này, Metro Hà Nội sẽ huy động xe buýt chuyển hành khách tới một ga khác gần nhất để tiếp tục di chuyển, hoặc có thể trả lại tiền vé.

Tháng 4/2021, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống, trong 166 quy trình vận hành, có đưa ra 63 tình huống sự cố giả định. Trong quá trình vận hành thử đợt tháng 12/2020, các đơn vị liên quan đã diễn tập đủ 63 tình huống, nhưng lúc đó không có hành khách.

“Quá trình vận hành thương mại khác với trước là có hành khách. Việc không báo trước chỉ là thời điểm xảy ra diễn tập, còn kịch bản các sự cố như thế nào, các bên đều đã nắm được hết, chứ không phải muốn làm thế nào thì làm”, ông Trường nói thêm.

TP.HCM: Hai tuyến metro đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng và cùng ‘lùi thời gian về đích’

Có nên diễn tập sự cố không báo trước cho khách khi đi tàu Cát Linh – Hà Đông?

Trước đó tối 7/12, tàu điện Cát Linh – Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại.

Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh, thời gian từ 18h30 đến 19h5, trong khi có 40 hành khách trên tàu. Hành khách đi tàu không được thông báo trước. Việc này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, nói trên báo Vnexpress, việc diễn tập các sự cố không báo trước cho hành khách “về mặt chuyên môn là bình thường, vì diễn tập thì phải làm như thật, xem phản ứng của hành khách như thế nào và xử lý của đơn vị vận hành ra sao”.

“Nếu thông báo trước sẽ trở thành báo động giả và đơn vị quản lý cũng như vận hành không rút ra được kinh nghiệm gì”, ông Toản nói.

Tài khoản Q.N. cũng đồng tình với động thái từ Metro Hà Nội, cho rằng “hành khách hợp tác với ban quản lý vài lần cũng không sao. Các tình huống diễn tập bất ngờ đều đã tính toán đến sự an toàn của hành khách. Không phải vì như thế mà chê bai, bỉ bôi, quy chụp, tẩy chay các kiểu… Khó khăn lắm mới đưa tàu vào hoạt động được. Đáng để ủng hộ vì phát triển”.

Trái ngược với các quan điểm trên, theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu là diễn tập thì phải có sự đồng ý của hành khách hoặc ít nhất là cũng phải thông báo trước một cách rõ ràng, hợp lý. Tuy nhiên, bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm “thí nghiệm” và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được.

Theo luật sư Đức, ông chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các nghị định, thông tư đề cập đến việc diễn tập mà “diễn viên” là những hành khách bất đắc dĩ. Thậm chí cũng chưa thấy có luật quy định nào về việc diễn tập trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không và kể cả đối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Ông Đức lấy dẫn chứng tại Khoản 2, Điều 41 về “Điều hành giao thông vận tải đường sắt”, Thông tư số 3/2018/TT-BGTVT ngày 4/5/2018 “Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt” có 43 điều nhưng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung “Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt”.

Ông Đức cho rằng việc diễn tập không phải là sự kiện bất khả kháng, cũng không phải là tình thế cấp thiết, vậy khi xảy ra tai nạn hay hậu quả nghiêm trọng thì doanh nghiệp vận tải và cơ quan nhà nước, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm hay là phó mặc người dân? Mà nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm thì chịu trách nhiệm thế nào và chịu đến đâu lại không có cơ sở pháp lý rõ ràng. “Do đó, việc diễn tập như vừa xảy ra cần phải được dừng lại để giải quyết khắc phục lỗi về pháp lý trước khi xảy ra lỗi trên hiện trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc”, ông nói trên báo VTV.

Báo Dân Trí dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nói “Làm vậy thì nguy hiểm quá. Không thể lấy tính mạng của người dân ra để diễn tập được!”. “Nếu diễn tập thì phải thông báo trước để người dân lựa chọn đồng ý hay không đồng ý tham gia. Trong trường hợp không báo trước rồi gây ra thiệt hại, tổn thất về tinh thần, vật chất, tài sản hoặc tính mạng cho người dân thì đơn vị đứng ra tổ chức diễn tập sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại từ ngày 6/11. Sau 15 ngày miễn phí cho khách trải nghiệm, tuyến bắt đầu mở bán vé từ 21/11.

Theo thống kê trong một tháng (tính từ 6/11 đến ngày 5/12), Metro Hà Nội đã vận hành 5.599 chuyến tàu chở 620.464 hành khách, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày.

Trong đó 15 ngày đầu miễn giá vé đã vận chuyển 380.510 hành khách; 15 ngày tiếp theo thu tiền vé vận chuyển 239.954 hành khách.

Về tỷ lệ phân bổ hành khách, theo thống kê, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách.

Kim Long

Xem thêm:

TGĐ Hanoi Metro: Tàu Cát Linh – Hà Đông gặp sự cố chỉ là ‘diễn tập không báo trước’