Theo thống kê, đến 15h ngày 1/11, riêng tại khu vực thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), mưa lũ làm thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công trình giao thông khoảng hơn 4,3 tỷ đồng.

mua-lu-khanh-hoa
Ngày 1/11,  nước lũ trên sông Dinh, đoạn qua xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) uy hiếp trực tiếp đến các hộ dân. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến 19h ngày 1/11, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại cho huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa.

Tại huyện Vạn Ninh, hơn 880 ha lúa bị ngập, 3.300 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; hơn 550 m kênh mương bê tông bị sập; 500 m đường bê tông bị sạt lở, hư hỏng; 100 m2 diện tích nuôi hàu bị thiệt hại hoàn toàn. Một số tuyến đường, mương thủy lợi bị hư hỏng.

Tại xã Ninh Sơn (thuộc thị xã Ninh Hòa) có một căn nhà bị tụt vách, 9 ha rau màu, 5 ha lúa, 3 ha bắp, 20 ha mía bị ngập úng, 1 con bò bị cuốn trôi, 200 m mương bê tông bị sạt lở.

Mưa lũ cũng cuốn trôi 200 con heo thịt, 50 con heo con và 6-7 con heo nái tại gia đình bà Nguyễn Thị Hường (thôn 4, thị xã Ninh Hòa). Trong số heo thịt, có khoảng 100 con từ 80-100 kg, 100 con từ 40-70 kg. Ước tính thiệt hại lên đến 400 triệu đồng.

Theo bà Hường, do nước lũ rất lớn, chỉ trong vòng 30 phút đã dâng cao trên 2 m. Gia đình gồm 10 người cùng 50 người hàng xóm, chính quyền địa phương tập trung ứng cứu đàn heo nhưng không kịp.

Theo thống kê, đến 15h ngày 1/11, tại toàn khu vực thị xã Ninh Hòa, mưa lũ tuy không gây thiệt hại về người nhưng riêng thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công trình giao thông ước tính khoảng hơn 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 hộ tại thôn Mỹ Hoán (xã Ninh Thân) phải di dời đến nơi khác để tránh lụt. Về cây trồng, có 401 ha bị ngập úng, trong đó có gần 50 ha bị thiệt hại, chủ yếu là rau màu, lúa, mía.

Tại Khánh Hòa, có 9.790 phương tiện đánh bắt, với gần 25.000 lao động đi biển. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, có 317 tàu cá cùng 1.730 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển. Hiện các tàu đã nắm được thông tin ATNĐ và có kế hoạch chủ động phòng tránh.

Trước đó, trong 2 ngày 31/10 và 1/11, do ảnh hưởng lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp ATND, tỉnh Khánh Hòa đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to và dông.

Ông Đinh Tấn Thành – Trưởng phòng Quản lý công trình Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Khánh Hòa cho biết lượng mưa đo được tại Trạm đầu mối hồ Đá Bàn lên đến 310 mm, Trạm đầu mối hồ thủy điện Ea Kronggrou 145 mm…

Do đó, từ ngày 28/10, hồ Đá Bàn xả điều tiết với lưu lượng 1,5 m3/s. Từ 0h đến 13h ngày 1/11, lưu lượng xả tại hồ tăng lên 47 m3/s. Sau thời điểm 13h, lưu lượng xả điều tiết giảm còn 37 m3/s và sẽ tiếp tục giảm; khi mực nước trong hồ Đá Bàn về cao trình 62 m, đảm bảo an toàn hồ thì dừng điều tiết.

Cũng theo thông tin từ tỉnh Khánh Hòa, ngày 26/9, UBND tỉnh có công văn đồng ý với đề xuất của Sở NN&PTNT đầu tư gần 7 tỷ đồng để sửa chữa gần 10 công trình khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa bão.

bao 12
Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão số 12. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h sáng nay (2/11) vị trí tâm bão số 12 ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 340 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 3/11, bão số 12 cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13-14; biển động rất mạnh. Trong 24h tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Hoàng Minh (T/h)

Xem thêm: