Chủ đầu tư cho rằng việc dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Km77+922, quốc lộ 3 cũ) là không khả thi vì đang chịu áp lực rất lớn từ việc phải trả lãi ngân hàng, trong khi trạm BOT hiện vẫn chưa thu phí.

Bot bo dau p.d
Thái Nguyên kiến nghị dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu. (Ảnh: P.D/laodong.vn)

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cienco 4 – đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết phương án dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu (Km77+922, quốc lộ 3 cũ) được UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất Bộ GTVT trước đó là không khả thi.

Ông Huỳnh cho hay theo phương án tài chính và hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án sẽ bắt đầu thu phí từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, do phản ứng của người dân và chưa thống nhất được với UBND tỉnh, dự án vẫn chưa thu phí. Nhà đầu tư đang chịu áp lực lớn từ việc phải trả lãi vay ngân hàng, trung bình mỗi tháng phải trả khoảng 16 tỷ đồng.

Hợp đồng cũ của dự án Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đến nay vẫn chưa được thực hiện, nên việc huy động vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư hạng mục bổ sung mở rộng, hoàn thiện cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên rất khó khăn và không khả thi” – ông Huỳnh cho biết.

Để giải quyết vấn đề tại trạm BOT Bờ Đậu, chủ đầu tư đề xuất 3 phương án, cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên 2 trạm thu giá tại dự án (1 trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ và 1 trạm trên quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới) theo hợp đồng đã ký kết, cho phép nhà đầu tư tổ chức thu giá hoàn vốn trên cơ sở mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành. Miễn giảm cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận đã được địa phương và nhà đầu tư thống nhất.

Phương án 2: Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá; trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách.

Theo ông Huỳnh, nếu chỉ thu phí trên tuyến quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới, dự án không thể hoàn vốn vì lưu lượng xe chỉ chiếm 10 – 15% trên tổng lưu lượng của toàn tuyến. Các phương tiện sẽ tiếp tục tập trung đi vào quốc lộ 3 cũ, khiến tuyến đường này và hệ thống đường ngang trên quốc lộ 3 sẽ bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo tính toán sơ bộ, dự án chỉ đặt 1 trạm thu giá trên tuyến quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên – Bắc Kạn, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mới đảm bảo phương án tài chính khả thi.

Phương án 3: Nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án. Số tiền mua lại khoảng 3.000 tỷ đồng, gồm giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng và phần lãi đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Trước 3 phương án trên, đại diện Vụ Đối tác – công tư (PPP) cho biết trong tuần này, Bộ GTVT sẽ họp để chọn ra phương án khả thi nhất.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 – Km100 có tổng chiều dài 65 km, trong đó, hợp phần quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40 km, bề rộng nền đường 12 m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 – Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc – Công ty cổ phần đầu tư XD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Trước đó, sáng ngày 27/7, khoảng 15 xe ô tô của người dân huyện Phú Lương (thị trấn Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) treo băng rôn với biểu ngữ “Phản đối BOT bờ Đậu”, “Trả lại đường cho dân” diễu hành phản đối trạm thu phí BOT Bờ Đậu vì đặt sai vị trí và yêu cầu cơ quan chức năng dỡ bỏ trạm thu phí này.

Ngày 23/11, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 5317 đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu phí trên và cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đặt trạm thu giá trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Thái Nguyên – Chợ Mới.

Theo UBND tỉnh, việc dỡ bỏ trạm thu phí Bờ Đậu nhằm tránh gây bức xúc dư luận, tiềm ẩn việc mất an ninh trật, nguy cơ phá sản của nhà đầu tư.

Văn Duy

Xem thêm: